Phá bờ vùng, bờ thửa - “bước đệm” của cánh đồng lớn ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ước mong về những cánh đồng tít tắp, "thẳng cánh cò bay" đã hiện hữu trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân Thạch Hà - Hà Tĩnh. Sản xuất lúa trên cánh đồng lớn không chỉ giúp bà con giảm được chi phí mà công chăm sóc cũng đỡ cực nhọc hơn…

Phá bờ vùng, bờ thửa - “bước đệm” của cánh đồng lớn ở Hà Tĩnh

Sau hơn 2 tháng, lúa VTNA6 trên cánh đồng tập trung của thôn Bình Dương (Thạch Hội) đã phát triển tốt.

Cánh đồng lúa VTNA6 của thôn Bình Dương, xã Thạch Hội (Thạch Hà) không thể trộn lẫn với những cánh đồng bên cạnh. 35 ha ruộng được nối liền một mạch, chạy dài cả cây số, bề mặt phẳng phiu như tấm thảm màu xanh non khổng lồ. Ông Phan Hữu Tùng - Bí thư Chi bộ thôn Bình Dương - người chỉ đạo sản xuất trực tiếp trên cánh đồng này thấy rõ sự thay đổi, sự khác biệt của lúa sản xuất theo canh tác tập trung.

Ông Tùng cho biết: “Cái được đầu tiên chính là tiết giảm chi phí. Không còn ngăn cách bởi những bờ vùng, bờ thửa, chi phí thuê máy làm đất tiết kiệm được 30 nghìn đồng/sào, lượng giống cũng rút xuống 3 kg/sào (trước đây 5 kg/sào). Phá bờ vùng, bờ thửa còn tăng diện tích canh tác so với trước đây. Điều quan trọng, chúng tôi được hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông nên bà con đảm bảo tuân thủ thời vụ, cách chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật nên rất chủ động trong sản xuất”.

Phá bờ vùng, bờ thửa - “bước đệm” của cánh đồng lớn ở Hà Tĩnh

Bí thư Chi bộ thôn Bình Dương Phan Hữu Tùng kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa

Đến thời điểm này, mặc dù đã bước vào kỳ cuối của giai đoạn làm đòng, bộ lá của cây vẫn chắc khỏe và sạch bệnh; nhất là bệnh đạo ôn - vốn là bệnh “kinh niên” của đồng ruộng Hà Tĩnh. Bà Nguyễn Thị Hữu (thôn Bình Dương), cho hay: “Gia đình tôi có 5 sào trong cánh đồng lớn này. Ngay từ ngày đầu, chúng tôi đã được hướng dẫn để cùng làm đất, cùng gieo giống và cùng phun thuốc bảo vệ thực vật một thời điểm. Cách đây gần 1 tháng, khi xuất hiện vết bệnh đạo ôn một số nơi, xã đã chỉ đạo bà con phun thuốc xử lý kịp thời. Đồng thời, nhờ tuân thủ bón phân cân đối NPK nên cây lúa sinh trưởng khỏe và phòng tránh được các loại sâu bệnh một cách chủ động”.

Đây là một trong hai cánh đồng được xã Thạch Hội mạnh dạn chuyển đổi sang canh tác tập trung. Những khó khăn ban đầu dường như được gỡ bỏ khi người dân đồng thuận. Nếu như trước đây, có thửa diện tích chỉ khoảng 500 m2 thì nay, bờ vùng, bờ ruộng nhỏ được phá bỏ để tạo thành những xứ đồng từ 10.000 m2 trở lên.

Theo ông Nguyễn Thanh Long - Chủ tịch UBND xã: “Nhờ phá bờ thửa thành cánh đồng lớn nên công tác chỉ đạo triển khai sản xuất được thực hiện tập trung, đồng bộ. Vụ này, chúng tôi xây dựng được 50 ha cánh đồng tập trung, phá bờ vùng, bờ thửa. Trước mắt, phương thức này thuận tiện trong việc điều hành nước tưới và cơ giới hóa, về lâu dài, chính là nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tuân thủ chỉ đạo sản xuất, hướng đến sản xuất từ nhỏ lẻ sang tập trung”.

Phá bờ vùng, bờ thửa - “bước đệm” của cánh đồng lớn ở Hà Tĩnh

Cánh đồng phẳng phiu, không ranh giới sẽ tăng hiệu quả kinh tế, phòng trừ sâu bệnh và là bước manh nha cho sản xuất hàng hóa

Vụ xuân 2019, Thạch Hà sản xuất trên 205 ha lúa theo canh tác tập trung, phá bờ vùng, bờ thửa ở Thạch Hội, Thạch Xuân, Thạch Hương, Thạch Văn, Thạch Khê, Thạch Thanh. Như vậy, Sau Cẩm Xuyên, đây là địa phương vận dụng cơ chế ưu đãi từ chính sách để “mở lối” cho những cánh đồng lớn.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà, cho biết: “Với quy mô mỗi thửa từ 0,5 ha trở lên nằm trong vùng sản xuất tập trung 10 ha thì huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/mô hình; 50% kinh phí mua giống mới vụ đầu tiên… Ngoài ra, các xã đều có những chính sách riêng để khuyến khích những bà con tiên phong đi trước. Việc hình thành vùng sản xuất tập trung nhằm khắc phục tình trạng ruộng sản xuất manh mún, tạo thuận lợi lớn trong tưới tiêu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo, nâng cao hiệu quả đất chuyên trồng lúa. Quan trọng, đây là bước nền cho việc tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast