Vì sao người nuôi ốc hương Hà Tĩnh dần bỏ xứ Cồn Vạn?

(Baohatinh.vn) - Liên tục thua lỗ, nhiều hộ nuôi ốc hương ở xứ Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã phải bỏ hồ nuôi tìm kế sinh nhai khác.

Liên tục thua lỗ

Gia đình anh Nguyễn Văn Hảo là một trong những hộ nuôi ốc hương còn kiên trì “bám” Cồn Vạn. Năm ngoái, anh Hảo lỗ hơn 2 tỷ đồng do ốc hương chết. Năm nay, hi vọng vớt vát, anh Hảo đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng ở 3 hồ nuôi nhưng hiện nay, do ốc “chết dần chết mòn” anh đành dồn số ốc còn lại nuôi ở 2 hồ.

Vì sao người nuôi ốc hương Hà Tĩnh dần bỏ xứ Cồn Vạn?

Đáng ra đã đến kỳ thu hoạch nhưng ốc hương của gia đình chị Nguyễn Thị Lai vẫn còn chưa đạt trọng lượng

Chị Nguyễn Thị Lai (vợ anh Nguyễn Văn Hảo) cho biết: “Đáng lý ra thời điểm này ốc hương đã thu hoạch và bán được rồi nhưng do ốc phát triển không tốt nên vẫn chưa đạt chất lượng thu hoạch. Ốc không chỉ xấu mà cứ đến thời điểm giao mùa là lại chết. Chúng tôi thả 2 triệu con giống nhưng chắc giờ chỉ còn 1/3”.

Vừa mới thu hoạch ốc bán nhưng anh Lê Xuân Diệu - thành viên HTX Thiên Phú (xã Cẩm Lĩnh) không thể vui mừng vì anh vẫn chưa thu hồi đủ vốn. Trước đó, năm 2019, 5 hộ nuôi khác bị thua lỗ nên đã để anh Diệu cùng một số thành viên HTX Thiên Phú thuê lại ao nuôi.

Vì sao người nuôi ốc hương Hà Tĩnh dần bỏ xứ Cồn Vạn?

3 ha diện tích nuôi ốc hương của anh Lê Xuân Diệu đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng nhưng mới thu được một nửa vốn

Anh Lê Xuân Diệu buồn rầu cho biết: “Năm ngoái do ốc chết nên gia đình lỗ hơn 3 tỷ đồng. Năm nay, tôi đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng nhưng bán mới chỉ thu được một nửa vốn. Hiện nay, HTX còn 2 ao nuôi chưa thu hoạch nhưng thời tiết sắp vào mùa mưa rét nên không biết có duy trì được không. Chúng tôi xác định “đã ra sông thì phải bơi đến bờ” nên không thể bỏ cuộc. Còn một số hộ vì nản chí nên đã bán ốc non, loại ốc chưa đạt trọng lượng xuất bán”.

Theo đó, thay vì bán ốc với trọng lượng 150 con/kg với giá từ 150.000 đồng – 200.000 đồng, nhiều hộ dân bán ốc với trọng lượng 250 – 300 con/kg với giá 100.000 đồng. Bán hết ốc, nhiều hộ nuôi thu gom dụng cụ, máy móc về nhà, chấp nhận “huề vốn” hoặc lỗ ít thay vì “đánh cược” với may rủi.

Vì sao người nuôi ốc hương Hà Tĩnh dần bỏ xứ Cồn Vạn?

Ở Cồn Vạn hiện có nhiều ao nuôi bỏ không

Hiện tại, xứ Cồn Vạn còn 9 hộ kiên trì bám hồ thay vì 30 hộ nuôi như năm 2019. Toàn vùng có tổng diện tích 25 ha, hiện chỉ còn 1/3 diện tích vẫn duy trì nuôi.

Chất lượng giống kém, ao nuôi không đảm bảo

Sau nhiều lần thua lỗ, chị Nguyễn Thị Lai (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) khẳng định, nguyên nhân khiến ốc nuôi bị chết, phát triển không đạt trọng lượng theo chu kỳ là do con giống.

Vì sao người nuôi ốc hương Hà Tĩnh dần bỏ xứ Cồn Vạn?

Con giống kém nên ốc hương nuôi chậm lớn

“Con giống lấy từ tỉnh Khánh Hòa như các năm trước có giá từ 90 – 100 triệu đồng/một triệu con nhưng năm nay chỉ có giá 40 triệu đồng/một triệu con. Hai năm nay, do thị trường Trung Quốc không còn “sốt” ốc hương nên chủ cung cấp không đầu tư về con giống dẫn đến ốc nuôi không đạt trọng lượng mặc dù chăm sóc, chế độ ăn uống vẫn duy trì như cũ” - chị Nguyễn Thị Lai cho biết.

Vì sao người nuôi ốc hương Hà Tĩnh dần bỏ xứ Cồn Vạn?

Sau thu hoạch, người dân dồn ốc hương còn nhỏ sang 1 hồ để nuôi nhằm tiết kiệm chi phí, công chăm sóc

Ngoài yếu tố chất lượng giống, môi trường nuôi cũng quyết định lớn đến thành bại của việc nuôi ốc hương, trong đó khâu xử lý ao hồ quyết định 50% thành công.

Đáy đổ cát, vôi ve ít thì sẽ không đảm bảo môi trường tốt để ốc hương phát triển. Ngoài ra, nuôi ốc hương cần phải chăm sóc, đánh thuốc đúng định kỳ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả các khâu này đều do người nuôi tự mày mò, tìm hiểu và ứng dụng.

Vì sao người nuôi ốc hương Hà Tĩnh dần bỏ xứ Cồn Vạn?

Nuôi ốc hương 3 năm trở lại đây nhiều rủi ro, liên tục thua lỗ

Vùng nuôi ốc hương xứ Cồn Vạn vẫn đang phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Bởi vậy, từ khâu xử lý ao hồ, thả giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… vẫn do người nuôi tự lo mà chưa có một cơ quan chức năng đứng ra tổ chức nên yếu tố “may rủi” vẫn quyết định nhiều đến sự thành công – thất bại của mô hình.

Diện tích vùng nuôi ốc hương huyện đang cho một cá nhân thuê và người này hợp đồng cho người dân thuê lại. Khoảng 3 năm lại đây, nuôi ốc hương kém hiệu quả nên các hộ sang nhượng hồ nuôi nhiều.

Thời gian tới, xã sẽ kiến nghị để đưa diện tích xứ Cồn Vạn về cho địa phương quản lý nhằm đầu tư tập trung, tạo thêm sinh kế cho bà con nhân dân và phát triển kinh tế địa phương

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Lê Quang Vinh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast