Nghi Xuân mạnh tay xử lý, nói không với đánh bắt thủy sản "hủy diệt"

(Baohatinh.vn) - Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được xem là “điểm sáng” trong việc mạnh tay xử lý các trường hợp đánh bắt thủy sản bằng công cụ "hủy diệt” trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Nghi Xuân mạnh tay xử lý, nói không với đánh bắt thủy sản “hủy diệt”

Người dân sử dụng kích điện đánh bắt cá ảnh hưởng đến nguồn lợi tự nhiên

Sử dụng kích điện, xung điện, vật liệu nổ ... để đánh bắt thủy sản là vấn đề nhức nhối tại các vùng ven sông, cửa biển trên địa bàn huyện Nghi Xuân làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, ảnh hướng đến phát triển kinh tế của bà con ngư dân.

Từ khi có Chỉ thị số 11/CT-UB ngày 6/7/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác hải sản, công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản được huyện tăng cường, triển khai quyết liệt.

Chủ tịch UBND xã Xuân Đan Phan Mạnh Tân cho biết: Trước hết, xã giao cho các tổ chức, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân không sử dụng các hình thức khai thác mang tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản. Mặt khác, xã vận động người dân thực hiện giao nộp các dụng cụ bị cấm trong khai thác thủy sản và tích cực phát hiện, tố giác các đối tượng không chấp hành.

Nghi Xuân mạnh tay xử lý, nói không với đánh bắt thủy sản “hủy diệt”

Lực lượng công an xã hướng dẫn người dân ký cam kết không vi phạm

“Xã Xuân Đan đã vào cuộc quyết liệt, tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không sử dụng kích điện, xung điện để đánh bắt thủy sản làm ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường và mùa màng của bà con nông dân. Qua đó, toàn xã có 45 đối tượng ký cam kết không sử dụng và kinh doanh, buôn bán ngư cụ bất hợp pháp trong đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, có 14 trường hợp đến xã tự giác giao nộp dụng cụ kích điện, xung điện. Qua phát hiện tố cáo của người dân, công an xã đã kiên quyết xử lý 10 trường hợp vi phạm” – ông Tân cho biết thêm.

Nghi Xuân mạnh tay xử lý, nói không với đánh bắt thủy sản “hủy diệt”

Sau khi tuyên truyền một số người dân tự giác mang kích điện lên giao nộp

Cũng mạnh tay, xã Xuân Hồng tập trung cao cho việc tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Thiếu tá Trần Minh Trường – Phó trưởng Công an xã Xuân Hồng, cho hay: Tình trạng sử dụng kích điện, xung điện... đánh bắt tại sông Lam và các hói, ao hồ trên địa bàn khá nhiều. Phương thức hoạt động chủ yếu lén lút vào giờ trưa hoặc ban đêm nên việc phát hiện, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Nhờ bố trí lực lượng hợp lý, trong thời gian qua, lực lượng chức năng của xã đã thu giữ 10 bộ kích điện, tiến hành xử lý 6 vụ, xử phạt hành chính 8,5 triệu đồng. Qua đó, nhận thức của người dân tăng lên, tình trạng vi phạm có chiều hướng giảm, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Nghi Xuân mạnh tay xử lý, nói không với đánh bắt thủy sản “hủy diệt”

Qua tuần tra kiểm soát lực lượng chức năng Nghi Xuân thu giữ các dụng cụ khai thác thủy sản "hủy diệt"

Ngoài việc tuyên truyền trên các loa phát thanh, pa nô, áp phích không được sử dụng ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản, đến nay, Nghi Xuân đã có 17/19 xã, thị trấn thực hiện ký cam kết. Trong đó, 2.150 người có hoạt động khai thác thủy sản và kinh doanh, buôn bán ngư cụ trên địa bàn đều đã ký cam kết. Cùng với đó, 950 tàu thuyền ký cam kết không khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).

Toàn huyện cũng đã tiến hành 105 cuộc tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thuỷ sản trong vùng sông ngòi, hồ đập, kênh mương, vùng nội đồng trên địa bàn, phát hiện và xử lý 135 trường hợp vi phạm, xử phạt 72 triệu đồng.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Phạm Tiến Hưng, mặc dù Nghi Xuân vào cuộc quyết liệt nhưng hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trong khi đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát của huyện còn thiếu và yếu. Bởi vậy, trách nhiệm của mỗi người dân phát hiện, kịp thời báo cho cơ quan chức năng là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vẫn luôn là giải pháp hữu hiệu, cần được các cấp chính quyền tổ chức thường xuyên và liên tục...

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast