Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 23/3: Thế giới trên 14.500 người thiệt mạng

Tính tới 6h sáng 23/3, thế giới có thêm 1.598 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch COVID-19 lên trên 14.500 người. Châu Âu tiếp tục là “tâm dịch” nóng nhất, trong khi Đông Nam Á đang chứng kiến sự leo thang đáng báo động.

Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 23/3: Thế giới trên 14.500 người thiệt mạng

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Strasbourg, Pháp, ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Dịch bệnh COVID-19 tới nay đã xuất hiện tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 1.598 người thiệt mạng và 30.367 ca bệnh mới (một kỷ lục tính theo ngày), nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới lên trên 335.403 người, trong đó có 14.611 ca tử vong. Tới nay, cũng đã có 97.636 người được điều trị thành công và phục hồi.

Tại châu Âu, theo số liệu cập nhật, tổng số ca nhiễm tại châu Âu hiện đã lên tới hơn 150.000 ca. Trong ngày 22/3, đảo Síp, Romania và Kosovo cũng đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19. Italy tình hình dịch bệnh đang ngày càng trở nên nguy hiểm và chưa có dấu hiệu kiểm soát. Ngày 22/3, “đất nước hình chiếc ủng” ghi nhận 5.560 ca nhiễm mới (giảm 15% so với một ngày trước) và thêm 651 ca tử vong (giảm 18% so với 1 ngày trước). Tới thời điểm này, Italy đã có tổng cộng 59.138 người mắc dịch COVID-19, trong đó 5.476 người tử vong, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới.

Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, sau khi Chính phủ Italy công bố bổ sung các biện pháp thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế Italy ngày 22/3 cũng đã ban hành quy định liên bộ nghiêm cấm các phương tiện di chuyển từ commune này sang commune khác (địa giới hành chính nhỏ nhất của Italy), bao gồm cả các xe công vụ, trên phạm vi cả nước. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã công bố bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt, thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Conte thông báo sẽ đóng cửa tất cả các hoạt động sản xuất “phi chiến lược”, không thực sự cần thiết trên toàn lãnh thổ.

Ngoài các hoạt động sản xuất thiết yếu, chính phủ chỉ cho phép triển khai phương thức làm việc thông minh (smartworking). Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và các dịch vụ thiết yếu sẽ được đảm bảo. Các biện pháp mới sẽ áp dụng đến ngày 3/4.

Bên cạnh “điểm nóng”, Tây Ban Nha trong ngày 22/3 cũng đã thông báo có tới 375 ca tử vong mới, tăng 30% so với một ngày trước, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.756 người. Số ca nhiễm được xác nhận đã tăng 3.107 ca, lên tổng số 28.603 người, trong đó 1.785 ca trong tình trạng nguy kịch. Tại cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Pedro Sanchez đã truyền đạt quyết định này tới các lãnh đạo khu vực.

Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày từ 14/3, trong đó có biện pháp cấm người dân rời khỏi nhà trừ các trường hợp bất khả kháng. Lực lượng an ninh và cảnh sát giám sát việc thực thi.

Chính phủ Anh của Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày đã cảnh báo Anh hoàn toàn có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng tương tự như Italy nếu người dân không tuân thủ một cách có trách nhiệm những khuyến cáo của Chính phủ về giữ khoảng cách xã hội an toàn. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh tính đến tối 22/3, trên toàn Vương quốc Anh đã có 281 ca tử vong liên quan đến COVID-19, trong tổng số 5.683 ca dương tính, trong đó riêng trong ngày 22/3 đã ghi nhận thêm 48 ca tử vong, gồm cả một ca mới 18 tuổi. Đây là trường hợp được ghi nhận là ca tử vong trẻ nhất tại Anh vì COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Tối 22/3 theo giờ địa phương, phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày từ Văn phòng Thủ tướng để cập nhật tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Johnson cám ơn đa số người dân Anh đã chấp nhận những hy sinh khi cơ bản chấp hành lệnh cấm không đến những địa điểm vốn tập trung đông người như như quán pub, nhà hàng, rạp chiếu phim trong cuối tuần qua.

Cũng trong tối 22/3, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh NHS đã chính thức khuyến cáo 1,5 triệu dân thuộc nhóm dễ tổn thương vì COVID-19 phải tự cách ly trong vòng 3 tháng tới, và hạn chế tối đa các hoạt động đi lại, giải trí và mua sắm. Nhóm này bao gồm các bệnh nhân đang điều trị ung thư, những người có các bệnh mãn tính về hô hấp và bệnh nhân ghép tạng. Chính phủ Anh đang thiết lập các trung tâm hỗ trợ trải đều trên toàn vương quốc với sự tham gia của nhân viên xã hội địa phương, nhà thuốc, siêu thị và quân đội để bảo đảm cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm và thuốc men cho nhóm bệnh nhân dễ tổn thương này. Đây được xem là biện pháp cần thiết vì tất cả hơn 100 ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Anh trong dịp cuối tuần qua đều thuộc nhóm dễ tổn thương và có bệnh nền.

Tại Đức, phương tiện truyền thông Đức đưa tin Thủ tướng nước này, bà Angela Merkel đã quyết định thực hiện cách ly tại gia sau khi gặp một bác sĩ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hãng tin DW và Reuters dẫn lời Người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert, xác nhận nhà lãnh đạo Đức Angele Merkel đã tiến hành cách ly tại gia, sau khi cuối tuần qua bà có gặp một bác sĩ dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Steffen Seibert khẳng định trong thời gian cách ly, Thủ tướng Merkel vẫn điều hành công việc bình thường.

Trong 24h qua, Đức đã ghi nhận thêm 8 ca tử vong mới vì dịch COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên 92. Bên cạnh đó, ngày 22/3, Đức cũng có thêm 2.350 ca mắc bệnh mới và tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tới thời điểm này là 24.714, nhiều thứ 4 thế giới. Trong khi đó, Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang ở Đức ngày 22/3 đã họp trực tuyến và nhất trí một số điểm cụ thể trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.

Các biện pháp chính trong chiến lược được nhất trí gồm: Cơ bản cấm tụ hội trên 2 người, ngoại trừ là trong gia đình hoặc những người sống cùng nhau trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách 1,50m với người khác ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống, song vẫn được phép vận chuyển hoặc lấy đồ ăn mang về; đóng cửa các cơ sở dịch vụ chăm sóc cá nhân như hiệu tóc, xưởng làm đẹp, ngoại trừ các cơ sở điều trị cần thiết về y tế; lực lượng trật tự và cách sát sẽ giám sát và trừng phạt nặng những trường hợp vi phạm lệnh hạn chế tiếp xúc; duy trì các quy định về vệ sinh dịch tễ ở các nhà máy, xí nghiệp đối với nhân viên và khách thăm; vẫn được đi làm, giúp người khác hay tập thể dục và vận động cá nhân ngoài trời, ngoại trừ các trường hợp bắt buộc phải gặp nhau vì lý do công việc, nghề nghiệp, kiểm tra hay giám sát. Các biện pháp này sẽ được duy trì trước mắt trong 2 tuần.

Tại châu Mỹ, chiều 22/3 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên trong lực lượng đặc biệt chuyên trách phòng chống virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng đã tổ chức họp báo nhằm công bố các thông tin cập nhật về dịch COVID-19. Tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump đã chỉ thị triển khai các trạm y tế khẩn cấp có sức chứa 4,000 giường bệnh tới các điểm nóng bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên toàn nước Mỹ. Ông Trump nhấn mạnh rằng ông đã chỉ đạo trực tiếp Cơ quan Quản lý Khủng hoảng Liên bang (FEMA) thiết lập các trạm y tế này tại các bang gồm bang New York với 1.000 giường bệnh, tại bang California với 2.000 giường bệnh và tại bang Washington với 1.000 giường bệnh.

Tới ngày 23/3, Mỹ trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ ba thế giới, với 32.356 trường hợp, trong đó 414 người đã tử vong. các phương tiện truyền thông cùng ngày đưa tin Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông là Thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên tuyên bố mắc bệnh này. Tài khoản mạng xã hội Twitter chính thức của ông Rand Paul viết: “Thượng nghị sĩ Rand Paul đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông ấy cảm thấy ổn và đang được cách ly. Thượng nghị sĩ không có triệu chứng và được xét nghiệm để đề phòng sau khi đi lại nhiều nơi và tham dự nhiều sự kiện. Ông ấy không nhớ đã tiếp xúc trực tiếp với bất cứ người nào bị nhiễm bệnh”.

Tại Guatemala, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei đã ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc trong vòng 8 ngày từ 16h00 đến 4h00 hàng ngày, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do vi rút SARC-CoV-2 gây ra. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Alejandro Giammattei cho biết lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu có hiệu lực vào 0h00 ngày 22/3 (theo giờ địa phương). Sắc lệnh mới ban hành loại trừ các hoạt động của lực lượng an ninh, vận chuyển hàng hóa, cảng hậu cần, hiệu thuốc và các doanh nghiệp liên quan tới cung cấp nhu yếu phẩm.

Tại châu Á, Iran tiếp tục là “tâm dịch” COVID-19. Khu vực Đông Á tiếp tục khống chế và kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khá tốt, khi tỷ lệ mắc mới và tử vong đều ở mức thấp hơn nhiều so với cách đây hơn 1 tuần. Trong khi đó, Đông Nam Á lại xuất hiện những dấu hiệu dịch bệnh leo thang đáng lo ngại. Trong vòng 24h qua, Iran đã ghi nhận thêm 129 ca tử vong mới do dịch COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong tại nước này lên tới 1.685 người, đứng thứ 3 trên thế giới sau Italy và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianouche Jahanpour cho hay trong một ngày đã có thêm 1.028 người xét nghiệm dương tính và nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên 21.638 người.

Hàn Quốc ngày 22/3 tiếp tục kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 khi nước này chỉ chi nhận thêm 2 ca tử vong và 98 ca mắc bệnh mới. Tính tới thời điểm này, Hàn Quốc đã có 8.897 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 104 người tử vong, còn người phục hồi đã tăng thêm 297 trường hợp lên 2.909. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết trong số 388 ca nhiễm ở độ tuổi dưới 18 đã có 275 trường hợp buộc phải cách ly song chưa phát hiện có trường hợp tử vong. Để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm từ nước ngoài, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu áp dụng "thủ tục nhập cảnh đặc biệt" ngay tại sân bay đối với tất cả hành khách đến từ khu vực châu Âu từ 0h ngày 23/3.

Theo đó, tất cả công dân Hàn Quốc và người nước ngoài nhập cảnh từ châu Âu sẽ phải điền vào bản khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt ngay tại sân bay. Sau đó, những người có triệu chứng nghi ngờ sẽ được đưa tới khu vực cách ly trong trạm kiểm dịch sân bay, người không có triệu chứng sẽ được đưa tới khu vực chờ chỉ định. Sau khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2, dù có kết quả âm tính thì công dân Hàn Quốc và những người nước ngoài nhập cảnh với mục đích cư trú dài hạn vẫn phải tự cách ly tại nơi cư trú, hoặc cơ sở do nhà nước chỉ định trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh) để theo dõi các triệu chứng liên quan.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh với mục đích cư trú ngắn hạn sẽ được các cơ quan chức năng giám sát linh hoạt trong thời gian lưu trú tại Hàn Quốc. Cơ quan chức năng sở tại ngày 21/3 cho biết đã thiết lập khu vực cách ly tạm thời cho khoảng 1.000 người trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

Tại Nhật Bản, tính đến rạng sáng 23/3 (theo giờ địa phương), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 “xứ sở Mặt Trời mọc” đã tăng lên 1.086 trường hợp, tăng 21 ca so với một ngày trước đó. Trong số ca đã được xác nhận, tỉnh Hokkaido ở vùng cực Bắc nước này chiếm tỷ lệ cao nhất với 159 ca. Tới lúc này, Nhật Bản có 36 người tử vong vì dịch COVID-19, trong khi 235 bệnh nhân đã ra viện.

Trung Quốc, “tâm dịch” nơi đại dịch bùng phát tháng 12/2019, cũng ghi nhận số ca tử vong mới vì COVID-19 rất thấp (6 ca) và số bệnh nhân mới chỉ là 46. Tới thời điểm này, Trung Quốc tuyên bố đã khống chế được dịch bệnh, tổng số người mắc bệnh và tử vong lần lượt là 81.054 ca và 3.261 ca. Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết số ca mắc COVID-19 tại tỉnh này và thủ phủ Vũ Hán (Wuhan) vẫn lần lượt giữ nguyên ở mức 50.000 ca và 67.800 ca của ngày 21/3.

Như vậy, đây là ngày thứ tư liên tiếp Vũ Hán, tâm dịch tại Trung Quốc, không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào. Theo AFP, Trung Quốc đã bắt đầu giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh các nhà khoa học trên toàn cầu đang nỗ lực chạy đua để tìm ra liệu pháp chống lại loại virus nguy hiểm này.

Ấn Độ ngày 22/3 đã ban bố lệnh phong tỏa khu vực thủ đô Delhi, bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 23/3 cho đến đêm 31/3 (theo giờ địa phương). Động thái này diễn ra sau khi Ấn Độ thực hiện lệnh giới nghiêm toàn dân tự nguyện chưa từng có tiền lệ trong cùng ngày theo lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á lại đang trải qua giai đoạn dịch diễn biến phức tạp.

Trong 24h qua, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chứng kiến dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) diễn biến phức tạp và gia tăng số ca mắc bệnh mới. Cụ thể, tới 24h đêm 22/3, các nước ASEAN đã xác nhận có tổng cộng 3.509 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 495 ca mới. Các nước khu vực cũng đã ghi nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 86. Tới lúc này, đã có 392 bệnh nhân được chữa trị thành công và bình phục.

Cụ thể, Thái Lan trong ngày 22/3 đã ghi nhận thêm 188 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số các trường hợp lây nhiễm được ghi nhận ở nước này lên 599 bệnh nhân. Đây là ngày có số ca lây nhiễm được công bố cao nhất tại Thái Lan kể từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1/2020. Ngoài một trường hợp tử vong, hiện có 7 bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này thông báo ngày 22/3 đã phát hiện thêm 123 ca nhiễm virus SARS-Cov-2, cùng 2 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.306 ca và số người tử vong vì dịch bệnh lên 10 người. Indonesia tới lúc này đang là quốc gia thành viên ASEAN có số ca tử vong vì dịch COVID-19 cao nhất.

Ngày 22/3, Indonesia đã ghi nhận thêm 10 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên 48 trường hợp. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đáng thứ ba khu vực về số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với 514 ca (64 ca mới trong ngày 22/3).

Tính tới ngày 22/3, Lào và Myanmar là hay nước thành viên ASEAN chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào. Trong khi đó, Timor Leste chỉ có duy nhất một ca mắc bệnh.

Theo Báo Tin tức

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast