“Hôn nhân hai đầu” kỳ quặc ở Trung Quốc

Bên trong các gia đình theo kiểu hôn nhân kỳ lạ này, không có khái niệm 'ông ngoại, bà ngoại'. Đứa trẻ sẽ gọi người đẻ ra cha/mẹ mình đều là 'ông nội, bà nội'. Hình thức này xuất hiện tại tỉnh Giang Tô và Chiết Giang.

“Hôn nhân hai đầu” kỳ quặc ở Trung Quốc

Hình thức “hôn nhân hai đầu” đã xuất hiện tại các vùng nông thôn tỉnh Chiết Giang và Giang Tô của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình

Gần đây báo chí Trung Quốc thảo luận một chủ đề đang “nóng” tại nước này: “hôn nhân hai đầu” (hay còn gọi là lưỡng đầu hôn ). Trang Trung Quốc Nhật báo ngày 21-12 đăng bài viết: “Hôn nhân hai đầu gây tranh cãi nảy lửa”.

Đây là hình thức hôn nhân mới âm thầm xuất hiện những năm gần đây ở các vùng nông thôn tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. Đây không phải là hình thức con gái được gả về nhà chồng hay con trai sang nhà vợ ở rể.

Trong cuộc hôn nhân “kỳ quặc” này, cả nam và nữ đều là con một trong gia đình. Sau khi cưới, thường chú rể và cô dâu không sống chung: chồng sống với cha mẹ ruột và vợ cũng sống với cha mẹ ruột.

Các cặp này thường sẽ sinh 2 con. Đứa đầu tiên sẽ mang họ cha và chủ yếu do phía nhà trai nuôi nấng. Đứa thứ hai theo họ mẹ và chủ yếu do phía nhà gái nuôi.

Theo trang Bắc Kinh Nhật báo , bên trong các gia đình “hai đầu” như thế này, không có khái niệm “ông ngoại, bà ngoại”. Đứa trẻ sẽ gọi người đẻ ra cha/mẹ mình đều là “ông nội, bà nội”.

Ví dụ, trong một gia đình như trên, cô Tiểu Tây cùng chồng là Tiểu Tranh - đến từ thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang - đều là con một sinh sau năm 1985. Năm 2016, họ kết hôn với nhau.

Trước khi kết hôn, gia đình hai bên đều đồng ý rằng cưới xong, Tiểu Tây vẫn có thể sống ở nhà cha mẹ ruột như cũ và cũng có thể đến nhà cha mẹ chồng. Tiểu Tranh cũng như vậy.

Gia đình hai bên cũng thống nhất cặp đôi này sẽ sinh tổng cộng 2 con, với đứa sinh đầu tiên theo họ cha và đứa thứ hai theo họ mẹ.

“Hôn nhân hai đầu” kỳ quặc ở Trung Quốc

Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực đã khiến một số cặp đôi phải nhờ đến cha mẹ chăm sóc con cái - Ảnh minh họa: SCMP

Với hình thức “hôn nhân hai đầu”, dân địa phương quen gọi là “không đến không đi”, “không vào không ra”, “không gả không cưới”, “hai nhà ghép lại”. Sau khi kết hôn, nam và nữ đều vẫn “bám” vào gia đình cha mẹ ruột.

Luật sư Dương Tuệ Lệ (Công ty luật Nặc Lực Á ở Chiết Giang) giải thích rằng nhiều trường hợp chọn hình thức hôn nhân trên là do cuộc sống hiện đại hối hả. Các cặp đôi trẻ quá bận rộn và không có thời gian chăm sóc con cái, nên họ dựa vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Ngoài ra, nguyên nhân là năng lực yếu kém của các cặp đôi trẻ khi ra ở riêng.

Tuy nhiên, người ta cho rằng hình thức hôn nhân này có cả mặt tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn về mặt lợi, chú rể không cần trao quà cưới tốn kém cho nhà vợ và cô dâu không phải trả của hồi môn, làm giảm gánh nặng cho cả hai bên và điều này khuyến khích thêm nhiều cặp đôi có 2 con.

Về mặt tiêu cực, luật sư Dương Tuệ Lệ cho rằng tính toàn vẹn của các gia đình hạt nhân và sự riêng tư của các cặp đôi sẽ bị ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp, chồng và vợ sẽ cự cãi về nhiều vấn đề như phân bố thời gian đồng đều cho hai bên gia đình. Và thậm chí có chuyện yêu thương con mình nuôi hơn đứa con còn lại do nhà bên kia nuôi.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast