Binh sĩ Hàn Quốc đeo khẩu trang kiểm tra thân nhiệt tài xế tại Daegu. Ảnh: AP
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết các lực lượng vũ trang đã phải chấp hành quy tắc về giãn cách xã hội, bên cạnh đó còn tham gia giúp kiềm chế dịch trong khi ngừng các cuộc tập trận.
Ngày 9/4, Saudi Arabia tuyên bố tạm thời ngừng chiến trận tại Yemen do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Do lo ngại về dịch bệnh, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã tuyên bố ngừng bắn tại Yemen sau 5 năm chiến sự. Liên hợp quốc cũng đề nghị ngừng leo lang căng thẳng để giới chức trách có thể xử lý dịch COVID-19.
Yemen đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại nước này vào 10/4 gây lo sợ về một đại dịch gây gánh nặng lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn không ổn định do chiến tranh. Trong khi đó, bản thân Iran và Saudi Arabia cũng đang phải tập trung nguồn lực xử lý dịch COVD-19 trong nước.
Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, quân đội Israel luôn ở thế đối đầu với lực lượng Hồi giáo Hezbollah ở Liban, không kích vị trí của quân đội Iran tại Syria và đáp trả vụ phóng rocket từ Dải Gaza. Nhưng hiện nay lực lượng này được điều động hỗ trợ cảnh sát quản lý việc thực hiện phong tỏa cách ly, bên cạnh đó hỗ trợ nhân viên y tế.
Để ngăn ngừa lây nhiễm, binh sĩ Israel đã tạm dừng qui định nghỉ phép cuối tuần và cách ly một số nhóm binh sĩ nhất định. Quân đội Israel cũng hoãn hoặc hủy nhiều cuộc tập trận. Trước đó, Không quân nước này có tham gia tập trận với Mỹ do vậy các phi công Israel góp mặt đã phải tự cách ly với chiến đấu cơ của họ. Israel cho biết việc bảo vệ biên giới vẫn là ưu tiên hàng đầu hiện nay của lực lượng vũ trang.
Tại Hàn Quốc, quân đội đóng vai trò then chốt trong việc kiềm chế dịch. Hơn 450 bác sĩ quân y và 2.700 binh sĩ được điều động hỗ trợ tại bệnh viện, giám sát phong tỏa, sản xuất khẩu trang, dò tìm người tiếp xúc với trường hợp mắc COVID-19… Hàn Quốc cũng trì hoãn tập trận thường niên với Mỹ và yêu cầu binh sĩ không rời căn cứ.
Đối với 30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), COVID-19 đã hình thành thách thức với tập trận thường niên. Trong tháng 3, Mỹ công bố giảm quân số tham gia tập trận Defender-Europe 2020 vốn lên lịch trình tổ chức khắp châu Âu trong 6 tháng tới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối quân sự này vẫn luôn sẵn sàng hành động.
Quân đội Ấn Độ đã ngừng tuyển quân và hủy tập trận, ví dụ như cuộc tập trận của Hải quân được lên lịch từ 18/3. Thiếu tướng Vinod Bhatia, người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Quân đội đã xây dựng xử lý tình huống nhưng chưa từng có viễn cảnh nào về loại thảm họa như thế này”.