Thuyền đầy tôm cá...
Khi mọi người đang tất bật với công việc của những ngày cuối năm thì anh Dương Văn Nuôi ở thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc) cùng các bạn thuyền lại gấp rút với những chuyến ra khơi mới. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối đông, 2 con thuyền do anh Nuôi làm chủ đã hòa cùng nhịp điệu lao động hối hả của hàng trăm tàu thuyền trong vùng vượt sóng ra khơi.
Bài ca lao động đang được những ngư dân Thịnh Lộc ngày ngày cất lên giữa biển khơi sóng vỗ.
Anh Nuôi phấn khởi khoe: “Mỗi thời điểm có một phương thức đánh bắt riêng, nhưng với 2 thuyền và 6 vàng lưới các loại, suốt năm qua, anh em chúng tôi đều đặn bám biển mỗi ngày và thu được 2-3 tạ hải sản/lượt đi biển, bán được 3-5 triệu đồng. Tình yêu lao động, sự hào phóng của biển cả đã giúp chúng tôi mỗi ngày có từ 500 ngàn đến 1,2 triệu đồng/người”.
Những ngày áp tết, từ 3 giờ sáng Cảng cá Thạch Kim đã nhộn nhịp tàu thuyền, kẻ bán, người mua...
Bài ca lao động được ngư dân Lộc Hà cất lên khắp nơi, từ trên bờ, dọc bến cảng, trong âu thuyền đến giữa biển khơi muôn trùng sóng vỗ. Vất vả, nặng nhọc đến đâu họ cũng đều hăng say bám nghề, luôn tin tưởng và kỳ vọng vào biển cả sẽ cho nhiều tôm cá, mang đến cho họ cuộc sống đủ đầy hơn. Khép lại 2020, hàng ngàn tấn hải sản các loại đã được ngư dân Lộc Hà đánh bắt, trong đó, nhiều nhất là ngư dân Thạch Kim với 1.900 tấn, Thịnh Lộc gần 700 tấn…
Mỗi sớm mai về, ngư dân Lộc Hà lại hăm hở mang quà tặng của biển khơi về cho cuộc sống.
Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Là năm “bản lề” thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, từ các cấp, ngành đến mỗi ngư dân đều quyết tâm cao trong việc bám biển khai thác hải sản. Qua đó, năm nay, đội tàu thuyền 349 chiếc của huyện đã mang về 4.014 tấn hải sản các loại. Đây cũng được xem là tiền đề quan trọng để chúng tôi đạt mục tiêu cao hơn trong những năm tới và phấn đấu đến năm 2025 sẽ đánh bắt được 6.353 tấn, trị giá hơn 305 tỷ đồng”.
Phát huy thế mạnh nuôi trồng
Cũng như tất cả các hộ nuôi trồng thủy sản khác trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ lại bắt tay vào khắc những tổn thất do trận lụt lịch sử năm qua gây ra bằng những lứa nuôi mới đầy hứa hẹn. Ông Mại chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tôi luôn là người tiên phong trong việc khai hoang mở rộng diện tích ao hồ nuôi, đồng thời, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa các hình thức nuôi mới vào thực tiễn… Nhờ đó, bình quân mỗi năm các ao tôm của gia đình thu lãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng”.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kín ở thị trấn Lộc Hà hạn chế dịch bệnh, cho thu nhập cao. Ảnh tư liệu
Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Lộc Hà những vùng đất ven biển để phát triển nuôi trồng các loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao như: nuôi tôm, cá, ngao sò... Đến thời điểm này, toàn huyện đang có gần 500 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản. Người nuôi trồng nơi đây đang tập trung hiện đại hóa sản xuất, xóa dần hình thức nuôi quảng canh. Đặc biệt, hiện nay, Lộc Hà đã có gần 3 ha đầm nuôi công nghệ cao (tôm được nuôi trong nhà kín), tạo ra những bước đột phá mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản nơi đây.
Khu nuôi trồng thủy sản TDP Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà từ trên cao.
Năm 2020, lĩnh vực nuôi trồng đã mang về cho Lộc Hà gần 2.000 tấn thủy sản các loại với trị giá khoảng 117 tỷ đồng. Trên đà thắng lợi đó, Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Hà nhiệm kỳ 2020-2025 đưa ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, lĩnh vực này sẽ có 4.247 tấn thủy sản nuôi trồng các loại, cho nguồn thu gần 257,9 tỷ đồng…
Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn kiểm tra mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kín ở thị trấn Lộc Hà. (Ảnh tư liệu)
“Vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, quê biển Lộc Hà đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó có lĩnh vực kinh tế biển. Đón xuân mới và khởi đầu một nhiệm kỳ mới, Đảng bộ và Nhân dân Lộc Hà quyết tâm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghị quyết của Đảng sẽ được đưa vào cuộc sống bằng những chính sách, giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để phát triển nuôi trồng theo hướng thâm canh, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường và đẩy mạnh khai thác, đánh bắt xa bờ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá” - ông Nguyễn Văn An - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà khẳng định.