Chứng khoán Na Uy chao đảo sau tin Trung Quốc ngừng nhập cá hồi

(Baohatinh.vn) - Ngay sau thông tin Trung Quốc ngừng nhập khẩu cá hồi châu Âu, sắc đỏ bao trùm sàn giao dịch chứng khoán Oslo.

Chứng khoán Na Uy chao đảo sau tin Trung Quốc ngừng nhập cá hồi

Năm ngoái, Na Uy đã xuất khẩu 23.500 tấn cá hồi có giá trị lên đến 170 triệu USD sang Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Sputnik)

Cổ phiếu của các nhà sản xuất cá hồi lớn ở Na Uy như Mowi, Cá hồi Hoàng gia Na Uy, Bakkafrost đã giảm 5-7% vào sáng 15/6 sau khi có tin này.

Thủy sản là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ hai của Na Uy sau các sản phẩm dầu mỏ. Những lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới đã khiến giới chức Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu cá hồi Na Uy, sau khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên thớt thái cá hồi nhập khẩu ở Tân Phát Địa – chợ đầu mối hải sản lớn nhất châu Á đặt ở quận Phong Đài, phía Nam thành phố Bắc Kinh.

Chỉ trong 4 ngày qua, chỉ tính riêng ở thủ đô của Trung Quốc, hơn 100 ca nhiễm mới đã được ghi nhận. Trong đó, phần lớn các ca nhiễm đều có liên quan đến chợ Tân Phát Địa.

Sau khi ổ dịch mới bùng phát, Trung Quốc đang đẩy mạnh kiểm tra thịt tươi và đông lạnh cũng như các sản phẩm hải sản.

Trước khi sự việc được làm sáng tỏ, các cửa hàng ở Trung Quốc đã tạm ngưng bán các sản phẩm cá hồi. Đây là tin cực xấu đối với các nhà xuất khẩu thủy sản lớn, trong đó có Na Uy.

Mặc dù Trung Quốc không phải là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với cá hồi Na Uy, nhưng sự việc này đã gây những thiệt hại cho các nhà xuất khẩu thủy sản ở quốc gia được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới.

Anders Nordøy Snellingen, người quản lý hoạt động toàn cầu của Hội đồng thủy sản Na Uy (NSC), cho biết NSC đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

“Không có tuyên bố chính thức nào từ Trung Quốc chỉ ra rằng cá hồi Na Uy có liên quan đến ổ dịch mới xuất hiện”, ông Nordøy Snellingen nói với Đài Phát thanh truyền hình Quốc gia Na Uy NRK.

Nordøy Snellingen dự đoán ổ dịch mới xuất hiện có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cá hồi từ Na Uy vào Trung Quốc và đặc biệt là thành phố Bắc Kinh trong ngắn hạn.

Tâm lý hoang mang đang đang bao trùm tại thủ đô của Trung Quốc. Trong các cửa hàng kinh doanh thủy sản ở Bắc Kinh, những kệ cá hồi được để trống. Tại các nhà hàng chuyên phục vụ các món làm từ cá hồi Na Uy, thực khách bắt đầu quan tâm và đặt câu hỏi về nguồn gốc của những món ăn.

Theo Victoria Braathen – một đại diện khác của NSC, hiện tại đã xuất hiện một “làn sóng” hủy bỏ các đơn đặt hàng cá hồi tươi.

Stein Martinsen, giám đốc tiếp thị và bán hàng tại công ty Cá hồi Hoàng gia Na Uy, nói: “Chúng tôi đã dừng toàn bộ đợt hàng xuất khẩu tới Trung Quốc và đang chờ xác nhận từ phía họ”.

Còn Regin Jacobsen – Giám đốc Điều hành công ty cá hồi Bakkafrost thì cho hay: “Chúng tôi không thể gửi cá hồi tới Trung Quốc bây giờ, thị trường đã đóng cửa”.

Cá hồi Na Uy là một sản phẩm rất phổ biến ở Trung Quốc. Năm ngoái, Na Uy đã xuất khẩu 23.500 tấn cá hồi có giá trị lên đến 170 triệu USD sang Trung Quốc.

Na Uy là nước tiên phong trong nuôi trồng cá hồi vào những năm 1960 và từ đó đã vươn lên trở thành nhà cung cấp cá nuôi lớn nhất châu Âu. Năm 2018, Na Uy đã xuất khẩu 1,3 triệu tấn cá hồi nuôi trị giá 7,8 tỷ USD, trong đó EU là nhà nhập khẩu chính. Cá là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ hai của Bắc Âu chỉ sau các sản phẩm dầu mỏ.

Chứng khoán Na Uy chao đảo sau tin Trung Quốc ngừng nhập cá hồi
(Theo Sputnik)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast