Thăng trầm của ngôi làng giàu nhất Trung Quốc

Làng Hoa Tây từng thu về vài tỷ USD một năm, với một phần ba đến từ ngành thép, nhưng giờ họ lại chìm trong khối nợ khổng lồ.

Hoa Tây (Giang Tô) từng được coi là ngôi làng giàu nhất Trung Quốc. Nơi này nằm trên diện tích 35km2, có một tòa tháp khách sạn cao 328m, các nhà dân được xây đồng bộ và một công viên với các công trình mô phỏng Vạn lý Trường thành, Khải hoàn môn (Pháp)...

Business Insider cho biết vào thập niên 50, ngôi làng này chủ yếu làm nông nghiệp, với chỉ 600 cư dân và diện tích gần 1 km2. Nhưng sau khi Wu Renbao lên làm trưởng làng, Hoa Tây đã được cải tổ. Thập niên 80, tận dụng cơ hội khi Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa, ông Wu cho thành lập 12 doanh nghiệp trong làng, từ thép đến dệt may. Wu cũng cấm đánh bạc, ma túy, không cho phép mở quán bar, café Internet hay karaoke.

Năm 2013, khoảng một phần ba nguồn thu của làng này đến từ ngành sắt thép. Hoa Tây nhập khẩu nguyên liệu thô từ Ấn Độ và Brazil, sau đó xuất khẩu sản phẩm sang hơn 40 quốc gia khác.

Dệt may cũng là ngành đóng góp nguồn thu lớn cho họ. Gần như tất cả phụ nữ trong Hoa Tây làm việc bên máy may. Có thời điểm, làng này sở hữu tới 80 nhà máy.

Thăng trầm của ngôi làng giàu nhất Trung Quốc

Tòa tháp chọc trời tại làng Hoa Tây. Ảnh: Reuters

Năm 2004, lương bình quân năm của dân làng Hoa Tây được cho là lên tới 122.600 nhân dân tệ, gấp gần 42 lần thu nhập của nông dân Trung Quốc thời đó. Đến năm 2013, nơi này có khoảng 2.000 cư dân, hưởng các quyền lợi như ở trong biệt thự, sở hữu siêu xe, được học hành, chăm sóc y tế và sử dụng dầu ăn miễn phí. Họ được cho là có tài khoản ngân hàng lên tới 250.000 USD.

Không phải tất cả lao động ở Hoa Tây là cư dân làng này. Hàng chục nghìn người nơi khác đã đổ đến đây làm việc trong ngành thép, dệt may và du lịch. Dù vậy, họ không được hưởng quyền lợi như cư dân gốc.

Một trong những công trình nổi bật ở Hoa Tây là Khách sạn Quốc tế 5 sao Longxi cao 74 tầng, chi phí xây dựng lên tới 470 triệu USD. Nó được xây dựng năm 2011 để kỷ niệm 50 năm thành lập ngôi làng.

Khách sạn này có nhiều chi tiết làm bằng vàng, đá cẩm thạch và có tầm bao quát cả ngôi làng. Bên trong thậm chí có cả tượng bò vàng nặng 1 tấn, trị giá 300 triệu nhân dân tệ. Đây là cách giúp họ thu hút khách du lịch.

Trong một bài đăng năm 2016, Global Times cho biết hơn 2,5 triệu khách du lịch đổ đến Hoa Tây mỗi năm để tham quan tháp chọc trời và công viên ở đây. Một lý do khác là họ tò mò về bí quyết thành công của ngôi làng này.

Theo CCTV, Tập đoàn Hoa Tây (Huaxi Group) - công ty của làng này - sở hữu hơn 100 công ty con, đạt doanh thu hàng chục tỷ nhân dân tệ mỗi năm, tính đến năm 2016. Tập đoàn này trả cổ tức cho dân làng bằng tiền mặt. Một phần lợi nhuận thì được tái đầu tư vào kinh doanh.

Thăng trầm của ngôi làng giàu nhất Trung Quốc

Tượng bò vàng bên trong khách sạn Longxi. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, sau năm 2008, ngành thép của Hoa Tây đi xuống. Việc dư thừa sản xuất ngày càng trầm trọng. Năm 2013, thông tin về các công ty của làng này thua lỗ bắt đầu xuất hiện. Trong vòng 5 năm tính đến 2013, Tập đoàn Hoa Tây chìm trong khối nợ 40 tỷ nhân dân tệ.

Nikkei cho biết các nhà máy thép bị buộc cạnh tranh với doanh nghiệp quốc doanh lớn hơn. Phần lớn nguồn thu của các nhà máy này đến từ cho thuê bất động sản. Tập đoàn Hoa Tây còn được cho là phát phiếu giảm giá của khách sạn, thay vì cổ tức, cho người dân.

Công ty dệt may gần khách sạn Longxi thì bán những chiếc áo phong cách cũ với giá lên tới 200 nhân dân tệ. Triển vọng kinh doanh của ngành này cũng không mấy sáng sủa khi các thương hiệu nước ngoài như Uniqlo và Gap thâm nhập vào Trung Quốc, đồng thời mua sắm trực tuyến cũng trở nên phổ biến.

Sau khi Wu Renbao qua đời năm 2013, con trai của ông là Wu Xie“en tiếp quản vị trí lãnh đạo làng, đồng thời làm CEO Tập đoàn Hoa Tây. Ông đã nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh doanh, tìm đến các ngành mới như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phái sinh và mua cổ phiếu nhiều công ty khác. Con trai Wu Xie”en là Sun Xiyao cũng giúp cha mở rộng hoạt động của tập đoàn sang các ngành dựa trên Internet như game online, e-sport và thiết bị đọc sách.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này dường như chưa thành công. Các khoản đầu tư vào ngành mới không thể bù đắp khoản lỗ của các ngành truyền thống, mà thậm chí khiến chi phí hoạt động càng tăng cao. Đầu năm ngoái, giới chức Hoa Tây thậm chí phải lên tiếng bác tin đồn phá sản, dù khối nợ của làng này đã lên đến 6 tỷ USD.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast