Quy hoạch 16 khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và than bùn

(Baohatinh.vn) - Quy hoạch cần có sự phối hợp giữa các ngành để tránh chồng chéo. Công tác quy hoạch, lộ trình quy hoạch phải có giải pháp cụ thể đối với từng mỏ khoáng sản...

Chiều 9/9, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Công thương về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và than bùn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cùng dự.

Theo báo cáo của Sở Công thương, Dự án lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và than bùn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là rất cần thiết để có cơ sở thực hiện công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản đúng quy định và đúng định hướng nhằm kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực hoạt động khoáng sản.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Việc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và than bùn được thực hiện theo quy định của Luật khoáng sản 2010

Theo đó, toàn tỉnh quy hoạch 16 khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và than bùn có tổng diện tích 130,58 ha; bao gồm các loại khoáng sản: ilmenit (thuộc 3 khu vực với tổng diện tích quy hoạch 15,88 ha, trữ lượng 17,8 ngàn tấn), sắt limonit (thuộc 6 khu vực với tổng diện tích quy hoạch 69,3 ha, trữ lượng 1.077 ngàn tấn), kaolin (thuộc 1 khu vực với diện tích quy hoạch 14,6 ha, trữ lượng 37.500 tấn), than bùn (thuộc 6 khu vực với tổng diện tích khoanh định 30,8 ha, tài nguyên dự báo 262,7 ngàn m3).

Đại diện Sở Tài nguyên môi trường: Việc quy hoạch khoáng sản phải xuất phát từ nhu cầu. Riêng đối với khoáng sản than bùn, thực tế hiện nay chưa thấy nhu cầu lớn và điều kiện khai thác cũng khó nên cần phải cân nhắc trong quy hoạch.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý cho Dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và than bùn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở xây dựng Trần Hậu Thành: Việc quy hoạch khoáng sản không vướng quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch khoáng sản nhỏ lẻ và than bùn cần nêu cụ thể hơn về mục đích khai thác từng mỏ khoáng sản để từ đó mới dễ kêu gọi thu hút đầu tư.

Giám đốc Sở KHCN Đỗ Khoa Văn: Khoáng sản Sericit là một loại khoáng sản quý và hiếm, nên bổ sung đưa vào quy hoạch để quản lý, khai thác

Nhiều đại biểu cho rằng: Việc quy hoạch các mỏ khoáng sản cần đề cập cụ thể hơn đến nhu cầu sử dụng khoáng sản đó để từ đó phục vụ tốt hơn cho mục đích kêu gọi đầu tư. Dự án Quy hoạch cần có sự phối hợp giữa các ngành để tránh việc quy hoạch chồng chéo lên nhau; quy hoạch khoáng sản ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của người dân nên cần phải thực tế, khả thi...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tấn Thanh: Quy hoạch khoáng sản than bùn chủ yếu thuộc diện tích đất lúa nên cần phải có giải pháp cụ thể hơn, tính toán kỹ hơn vì khi dự án Ngàn Trươi Cẩm Trang đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nước tưới cho bà con trồng lúa

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y khẳng định Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và than bùn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là rất quan trọng.

Để đề án quy hoạch thực tế và khả thi, đề nghị Sở Công thương tiếp thu ý kiến góp ý của các ngành để hoàn thiện. Quy hoạch cần có sự phối hợp giữa các ngành để tránh chồng chéo. Công tác quản lý quy hoạch, lộ trình quy hoạch cần phải có giải pháp cụ thể đối với từng mỏ khoáng sản... Theo đó, Sở Công thương cần khẩn trương hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết thông qua quy hoạch để UBND tỉnh trình Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói