Ra quân tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn ở Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, các xã Cổ Đạm và Xuân Lĩnh (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đang ra quân tích tụ ruộng đất với khí thế sôi nổi để hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng cánh đồng lớn.

4.jpg
Thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm ra quân chuyển đổi ruộng đất.

Khi được xã Cổ Đạm chọn làm điểm chuyển đổi ruộng đất lần 3 năm 2024, hơn tuần nay, thôn Phú Vinh huy động máy xúc, máy đào tất bật tiến hành phá bờ vùng, bờ thửa để hình thành các ô thửa lớn, vùng sản xuất tập trung; nâng cấp mở rộng các tuyến đường nội đồng… rầm rộ như một công trường.

Ông Phan Đình Phú – Trưởng thôn Phú Vinh cho biết: "Lần chuyển đổi này, thôn chúng tôi thực hiện hơn 36 ha đất sản xuất (gần 25 ha đất trồng lúa và hơn 11 ha đất trồng màu) cho 124 hộ dân. Nhờ tổ chức họp bàn, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân về lợi ích, hiệu quả và sự cần thiết phải tập trung tích tụ, chuyển đổi ruộng đất, đảm bảo lợi ích chung nên nhận được sự hưởng ứng tích cực".

"Sau khi chuyển đổi, thôn Phú Vinh sẽ "rút gọn" từ 505 thửa xuống còn 178 thửa, trong đó 70 hộ có 1 thửa và 54 hộ có 2 thửa. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 565 triệu đồng (trong đó, ngân sách tỉnh 250 triệu đồng, ngân sách huyện 63 triệu đồng, ngân sách xã 157 triệu đồng, Nhân dân đóng góp khoảng 94 triệu đồng). Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành theo lộ trình đề ra, quyết tâm cuối tháng 11/2024 tiến hành bốc thăm, giao đất cho bà con sản xuất vụ xuân 2025” – ông Phú thông tin.

2.jpg
Toàn thôn Phú Vinh sẽ "rút gọn" từ 505 thửa xuống còn 178 thửa.

Việc chuyển đổi, tích tụ ruộng đất được chính quyền xã Cổ Đạm và thôn Phú Vinh xác định là hết sức cần thiết để hình thành vùng sản xuất tập trung có hệ thống tưới, tiêu hợp lý; nâng cấp, mở rộng làm mới các tuyến đường nội đồng.

Theo ông Trần Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, chuyển đổi ruộng đất lần 3, xã triển khai theo hình thức “cuốn chiếu” từng thôn đăng ký. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Để đạt được mục tiêu đề ra, xã chỉ đạo các thôn phát huy vai trò chủ thể của người dân, bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch mới tạo được sự đồng thuận cao.

5.jpg
Không khí ra quân tích tụ ruộng đất ở xã Xuân Lĩnh.

Hơn 1 tháng nay, không khí ra quân dồn điền, đổi thửa cũng diễn ra sôi nổi trên cánh đồng tại các thôn ở xã Xuân Lĩnh. Đến thời điểm này, các thôn đã phá bờ vùng, bờ thửa với khối lượng hơn 7.000 m3; mở rộng 50 tuyến đường trục chính nội đồng; 20 tuyến mương, dài 6 km và di dời hết 48 ngôi mộ...

Sau khi chuyển đổi đất nông nghiệp lần 2, ruộng đồng ở Xuân Lĩnh nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, mỗi hộ còn 4 đến 5 thửa tại nhiều xứ đồng dẫn đến việc đưa cơ giới hóa vào làm đất, thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có tổng diện tích hơn 203 ha đất trồng lúa và đất màu với 3.929 thửa của 731 hộ dân. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 10/2024, địa phương sẽ tiến hành chuyển đổi đất nông nghiệp lần 3 xuống còn 1.113 thửa tại địa bàn 5 thôn.

"Gia đình tôi có 9 sào ruộng phân bố trên 7 thửa ruộng ở 3 xứ đồng khác nhau. Theo dự kiến, sau khi thực hiện hoàn tất khâu dồn điền sẽ giảm xuống còn 1 thửa trên cánh đồng rộng hơn 17 ha. Với quy hoạch bài bản, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp phù hợp sẽ thuận lợi trong canh tác, giảm chi phí đầu tư, công chăm sóc cho bà con nông dân" - ông Trần Văn Tuân ở thôn 4, xã Xuân Lĩnh cho hay.

7.jpg
Cán bộ và Nhân dân xã Xuân Lĩnh giám sát việc triển khai dồn điền, đổi thửa.

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh cho biết: Để đạt mục tiêu, kế hoạch, tiến độ đề ra, xã phân công cán bộ bám sát cơ sở, xuống hiện trường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Chuyển đổi đất lần này, chính quyền địa phương phải triển khai một khối lượng công việc khá lớn. Theo đó, san phẳng mặt ruộng với diện tích 22 ha; mở rộng và làm mới 106 tuyến đường nội đồng; 46 tuyến mương, dài gần 16 km; 20 cầu cống các loại... có tổng kinh phí thực hiện hơn 6,6 tỷ đồng.

Việc chuyển đổi ruộng đất lần 3 đang được triển khai ở xã Cổ Đạm, Xuân Lĩnh… sẽ tạo ra những mô hình sản xuất có quy mô lớn, hình thành vùng sản xuất tập trung; thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, vận chuyển nông sản sau thu hoạch; giải phóng sức lao động cho người nông dân và giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng đất trên đơn vị diện tích.

3.jpg
Năm 2024, toàn huyện sẽ thực hiện tích tụ hơn 1.614 ha đất nông nghiệp.

Ông Trịnh Quang Luật – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện sẽ thực hiện tích tụ hơn 1.614 ha đất nông nghiệp. Trong đó, xã Xuân Lam, Xuân Lĩnh thực hiện hoàn thành tích tụ ruộng đất 100% diện tích, các địa phương còn lại lựa chọn ít nhất 1 thôn để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với xây dựng NTM phù hợp với thực tế.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 27/5/2022 của BCH Đảng bộ huyện, Nghi Xuân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tập trung tích tụ ruộng đất, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

 “Thủ phủ” trám ở Hà Tĩnh mất mùa

“Thủ phủ” trám ở Hà Tĩnh mất mùa

Nắng nóng gay gắt kéo dài tại thời điểm trám trổ hoa nên tỷ lệ đậu quả không nhiều, năm nay người trồng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang đối mặt với một mùa thu hoạch kém vui.
Vẻ đẹp yên bình ở làng quê nông thôn mới Vũ Quang

Vẻ đẹp yên bình ở làng quê nông thôn mới Vũ Quang

Những tuyến đường bê tông rộng rãi, hai bên hàng rào xanh mướt xen lẫn những hàng bưởi đặc sản trĩu quả… là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực ở thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh.
Vụ mùa "kém vui" của vùng dưa non Yên Lạc

Vụ mùa "kém vui" của vùng dưa non Yên Lạc

Sản lượng thấp, trong khi giá bán chỉ dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, nhiều hộ dân trồng dưa non tại thôn Yên Lạc (xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ngán ngẩm vì mất mùa, "rớt" giá.
Vượt rào cản để “giữ sao”, nâng hạng sản phẩm OCOP

Vượt rào cản để “giữ sao”, nâng hạng sản phẩm OCOP

Sau 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ở Hà Tĩnh xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng có lợi thế, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng hạng các sản phẩm vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Nữ giám đốc trẻ mở đường cho hải sản Hà Tĩnh xuất ngoại

Nữ giám đốc trẻ mở đường cho hải sản Hà Tĩnh xuất ngoại

Không chỉ định vị thương hiệu nước mắm Phú Sáng trên thị trường bằng “tấm thẻ bài” OCOP 3 sao, nữ giám đốc HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng (Hà Tĩnh) còn liên kết xuất khẩu hải sản, bao tiêu nguồn nguyên liệu vững chắc cho ngư dân vùng cửa biển.
Chi hội trưởng giúp phụ nữ thoát nghèo

Chi hội trưởng giúp phụ nữ thoát nghèo

Luôn đặt đời sống của hội viên lên hàng đầu, chị Nguyễn Thị Hồng – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã giúp nhiều chị em thoát nghèo.