Rẽ lối thành công với nghề nuôi hươu

(Baohatinh.vn) - Dù không theo đuổi được ngành nghề đã lựa chọn nhưng anh Trần Xuân Tin (SN 1990, trú tại thôn Đông Phố, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã có lối rẽ thành công từ việc phát triển nghề nuôi hươu truyền thống của địa phương.

Rẽ lối thành công với nghề nuôi hươu

Anh Trần Xuân Tin bên đàn hươu của mình.

Anh Trần Xuân Tin (SN 1990) sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ làm nghề nuôi hươu ở tại thôn Đông Phố, xã Quang Diệm. Năm 2009, khi tròn 19 tuổi, anh Tin thi đỗ và vào học tại Khoa Răng hàm mặt - Trường Cao đẳng Y Đắk Lắc (TP Buôn Ma Thuột). Sau khi tốt nghiệp, năm 2011, anh trở về quê và học tiếp 2 năm chuyên ngành y sỹ đa khoa tại Trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh với mong muốn sẽ được làm việc tại cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Thế nhưng, cái duyên với nghề y dường như không dành cho anh Tin. “Không theo đuổi được nghề mình chọn, tôi cũng buồn và thất vọng lắm. Trong thời gian này, tôi được bố, mẹ động viên và hỗ trợ rất nhiều, từ đó, tôi cũng dần xác định lại hướng rẽ mới cho mình là gắn bó với nghề nuôi hươu truyền thống của gia đình” - anh Trần Xuân Tin chia sẻ.

Rẽ lối thành công với nghề nuôi hươu

Khuôn viên gia đình khá rộng nên anh Tin trồng hơn 700 m2 cỏ, tạo nguồn thức ăn cho đàn hươu.

Năm 2014, anh Tin quyết định vay 200 triệu đồng của mẹ để bắt tay vào gây dựng “cơ đồ”. Anh làm chuồng trại kiên cố, rồi mua 10 hươu giống (6 đực, 4 cái) về nuôi. Nhờ “mát tay”, lại có kinh nghiệm “gia truyền” nên đàn hươu của Trần Xuân Tin ngày càng "sinh sôi nảy nở”. Chỉ trong thời gian ngắn, đàn hươu đã phát triển lên hơn 70 con.

Rẽ lối thành công với nghề nuôi hươu

Không chỉ nuôi nhốt, anh Trần Xuân Tin còn nuôi hươu thả trong vườn để tận dụng thức ăn và nguồn thu.

Năm 2018, sau khi kết hôn với chị Lê Thị Nguyệt (SN 1994, quê xã Sơn Hàm), anh Tin quyết định mở rộng quy mô chuồng trại lên 1.000m2, cả nuôi nhốt và chăn thả. Đàn hươu của anh Tin không ngừng tăng lên, từ 70 lên 120 con (năm 2020), rồi 150 con (năm 2022). Sau nhiều năm bắn bó với con nuôi này, anh Tin cho rằng, nuôi hươu khá đơn giản, không chỉ ở Hương Sơn mà nhiều địa phương khác cũng có thể nuôi được.

Đối với hươu sao, nguồn thức ăn rất dồi dào, hơn nữa, đây là loại động vật đã được thuần dưỡng từ lâu nên nhiều loài thức ăn hươu có thể ăn được như các loại lá cây (lá cây sung, mít, khoai lang, dây lạc, ngô, các loại cỏ); củ quả (khoai, chuối…).

Anh Tin chia sẻ: “Hươu thường mắc bệnh đầy hơi, tiêu chảy do ăn phải thức ăn không bảo đảm vệ sinh, nếu phát hiện muộn, chỉ sau 2 tiếng là vật nuôi này có thể sẽ chết. Song, nếu biết cách thì chữa rất dễ, không tốn chi phí mà bảo đảm sức khoẻ cho hươu. Do vậy, khi có dấu hiệu bụng hươu trướng lên bất thường, tôi thường dùng các bài thuốc dân gian, lấy tỏi giã cho hươu uống.

Chỉ cần bài thuốc đơn giản này là hươu khỏi ngay. Cùng đó, để hươu phát triển tốt, khỏe mạnh, người nuôi phải chú trọng nguồn thức ăn sạch, khi cho hươu ăn phải để ý xem lá cây có sâu cuốn lá, trứng sâu hay không. Hươu sao rất nhút nhát, thính giác và thị giác rất tốt, thích quây quần nên ngoài hệ thống chuồng kiên cố, tôi còn tạo bố trí vườn phù hợp để hươu vận động, nghỉ ngơi dưới tán cây”.

Rẽ lối thành công với nghề nuôi hươu

Cặp sừng của con hươu này theo ước tính đạt từ 0,7 - 0,75kg

Hiện nay, trại của anh Tin vừa cung cấp hươu giống vừa bán nhung. Theo nhẩm tính, mỗi năm, đàn hươu của anh cung cấp ra thị trường từ 25 - 30 hươu giống (giá dao động 15 - 17 triệu đồng/con) và từ 20 - 25kg nhung hươu (giá bán 12 - 14 triệu đồng/kg). Thu nhập mỗi năm đạt khoảng 700 triệu đồng. Điều đáng mừng là từ năm 2018 đến nay, việc tiêu thụ con giống và nhung hươu luôn ổn định và thuận lợi.

Rẽ lối thành công với nghề nuôi hươu

Cơ sở tận dụng chất thải từ chuồng trại để bón cỏ vừa đảm bảo môi trường vừa tạo quy trình chăn nuôi khép kín.

Sau thời gian tích lũy được số vốn lớn từ chăn nuôi hươu, anh Tin quyết định hợp tác với một người bạn để đầu tư thêm chuồng trại mới tại thôn 9, xã Sơn Hồng có trị giá đầu tư hơn 600 triệu đồng. Cơ sở này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6 năm nay, nuôi hươu đàn từ 80 - 100 con.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Diệm - Lê Khánh Toàn cho biết: “Sau nhiều năm đầu tư gầy dựng, đến nay, cơ sở nuôi hươu của anh Trần Xuân Tin là một trong những mô hình kinh tế đứng đầu của xã về số lượng đàn cũng như chất lượng con nuôi. Đây cũng là mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Quang Diệm nói riêng và huyện Hương Sơn nói chung”.

Năm 2022, toàn xã có 2.500 hộ dân thì đến hơn 80% hộ tham gia nuôi hươu. Quang Diệm là 1 trong những địa phương có tổng đàn hươu lớn nhất huyện Hương Sơn (hơn 4.200 con) với tổng sản lượng đạt 1,7 tấn nhung (năm 2022). Trong đó, mô hình của Trần Xuân Tin có quy mô chuồng trại, đầu tư và thu nhập thuộc vào nhóm lớn nhất xã. Không chỉ tạo thêm việc làm ổn định với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng cho 6 lao động, cơ sở còn góp phần giúp địa phương đạt mức thu nhập bình quân đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.

Nguyễn Xuân Cảnh
Bí thư Đảng uỷ xã Quang Diệm

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.