Rừng nguyên sinh bị chặt phá và chuyện kiểm lâm "lừa" cấp trên ở Vườn quốc gia Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Hàng chục cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ; kiểm lâm viên một thời gian dài không hề vào rừng mà chỉ “gửi” thiết bị định vị (giám sát hành trình của mình) cho người đi lấy mật ong nhằm đánh lừa ban quản lý (BQL)... Vụ việc xảy ra ở Vườn quốc gia Vũ Quang một lần nữa đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng...

rung nguyen sinh bi chat pha va chuyen kiem lam lua cap tren o vuon quoc gia vu quang

Nhiều cây gỗ lớn ở Vườn quốc gia Vũ Quang bị đốn hạ.

Hàng chục cây cổ thụ bị đốn hạ “khó hiểu”

Được sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh, sau gần 2 giờ đồng hồ di chuyển bằng thuyền trong lòng hồ Ngàn Trươi, thêm khoảng 15 km đi bằng xe máy và 5-6 giờ đồng hồ đi bộ trong rừng nguyên sinh, đoàn chúng tôi mới đến được khu vực Rào Rồng thuộc tiểu khu 202, Vườn quốc gia Vũ Quang.

Trước mắt chúng tôi là những cây gỗ lớn có đường kính từ 60-100 cm, chiều dài từ 25-30m bị đốn hạ vẫn còn nằm cạnh gốc, mặc dù thời gian đốn hạ theo các nhà chuyên môn đã từ 6 tháng đến 1 năm...

rung nguyen sinh bi chat pha va chuyen kiem lam lua cap tren o vuon quoc gia vu quang

Nhiều thân cây gỗ lớn vẫn còn nằm cạnh gốc.

Hầu hết các cây gỗ lớn bị đốn hạ thuộc nhóm 5 đến nhóm 8 (choại, sú, xoan, lội, da, vạng). Ngay cả lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang và lực lượng kiểm lâm cũng “không hiểu nổi” khó tin về mức độ tàn phá rừng của những kẻ phá rừng.

Ông Nguyễn Thượng Hải - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết: Những cây gỗ bị đốn hạ không phải là nhóm gỗ quý, không có giá trị về kinh tế và không bị lấy đi sau khi bị đốn hạ; trong khi ngay bên cạnh có rất nhiều loại gỗ quý như dổi, chua khét, sú, táu… lại “bình an vô sự” nên nhận định ban đầu là các đối tượng chặt hạ cây rừng không nhằm mục đích lấy gỗ.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường (xin giấu tên) đặt giả thiết: “Có khả năng kẻ xấu chặt hạ các cây gỗ để lấy phong lan bám trên ngọn cây. Bởi lẽ cách đây khoảng nửa năm, lực lượng liên ngành đã phát hiện và bắt giữ một vụ vận chuyển hoa phong lan từ trong Vườn quốc gia Vũ Quang ra với số lượng rất lớn (khoảng 300 kg); đối chiếu với những cây gỗ bị đốn hạ là cùng thời điểm”. Giả thiết này càng có cơ sở khi một số cây phong lan chết khô trên thân, ngọn của những cây gỗ bị đốn hạ.

rung nguyen sinh bi chat pha va chuyen kiem lam lua cap tren o vuon quoc gia vu quang

Nhiều cây gỗ bị đốn hạ dài gần 30m bắc qua cả con khe rộng.

“Đường lai” kiểm lâm, chân người lấy mật!

Để giám sát chặt chẽ việc tuần tra, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm, BQL Vườn quốc gia Vũ Quang đã trang bị cho mỗi cán bộ kiểm lâm một máy định vị (GPS). Theo đó, máy định vị sẽ tự động báo “đường lai” về máy chủ đầy đủ lịch trình, quãng đường, địa điểm mà kiểm lâm viên đã đi qua...

rung nguyen sinh bi chat pha va chuyen kiem lam lua cap tren o vuon quoc gia vu quang

Phải chăng "lâm tặc" đốn gỗ rừng...

Thế nhưng, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của BQL, một số kiểm lâm viên đã cố tình “qua mắt” bằng cách gửi máy định vị cho người đi lấy mật ong trong rừng. Và, một sự thật trớ trêu đã xảy ra: Trong khi nhật ký “đường lai” do máy định vị báo về vẫn thể hiện đầy đủ lịch trình tuần tra tại các tiểu khu theo quy định, thì những kiểm lâm viên này vẫn đang “vi vu” ở đâu đó và rừng vẫn bị chặt hạ mà không hay biết!

Theo ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc BQL Vườn quốc gia Vũ Quang: “Sau khi phát hiện vấn đề, đơn vị đã lập tức chấn chỉnh, xử lý và chấm dứt những sai phạm nghiêm trọng này”.

Tuy vậy, có thể khẳng định, một quãng thời gian dài, việc kiểm soát và bảo vệ rừng tận gốc tại Vườn quốc gia Vũ Quang đã bị buông lỏng; một số kiểm lâm viên hưởng lương nhưng không hề vào rừng để làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ.

rung nguyen sinh bi chat pha va chuyen kiem lam lua cap tren o vuon quoc gia vu quang

... chỉ để lấy phong lan?!

Nhiều câu hỏi cho người trong cuộc

Xung quanh vụ việc này, nhiều câu hỏi lớn đang được đặt ra: Ngoài những “nạn mộc” tại tiểu khu 202, liệu còn bao nhiêu cây gỗ, bao nhiêu tiểu khu trong Vườn quốc gia Vũ Quang bị tàn phá mà có thể chưa được phát hiện?! Tại sao rừng đặc dụng bị xâm hại sau nhiều tháng trời mà chủ rừng không hề hay biết? Nguồn tin báo hàng chục cây gỗ lớn bị đốn hạ chỉ đến với cơ quan Cảnh sát môi trường Công an tỉnh; phải chăng người dân đã mất niềm tin đối với BQL Vườn quốc gia và lực lượng kiểm lâm Vũ Quang? Mặc dù đã được phát hiện và ngăn chặn nhưng ai dám chắc rằng, việc cán bộ kiểm lâm “gửi” máy định vị cho “dân sơn tràng” để “tính công” chỉ xẩy ra tại Vườn quốc gia Vũ Quang và những thiết bị hiện đại này không theo chân những người đi rừng trong những tình huống khác?!...

Rõ ràng, đó là những câu hỏi mà hơn ai hết, những người trong cuộc mới biết rõ câu trả lời. Đây cũng là bài học đắt giá để các BQL, các chủ rừng khác trên địa bàn toàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời phát hiện những sự việc tương tự nếu có, góp phần bảo vệ cho những cánh rừng mãi mãi xanh tươi.

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.