Sáng 13/8: Việt Nam đã tiêm hơn 12 triệu liều vaccine COVID-19; gần 9 vạn bệnh nhân được chữa khỏi

Tình hình dịch COVID-19 mới nhất đến 6h sáng nay, 13/8, Việt Nam đã chữa khỏi 89.145 bệnh nhân COVID-19. Gần 12.1 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm cho các đối tượng.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Theo bản tin dịch mới nhất của Bộ Y tế, tính đến nay, Việt Nam có 246.568 ca COVID-19 trong đó có 2.395 ca nhập cảnh và 244.173 ca nhiễm trong nước.

- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 242.603 ca, trong đó có 86.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu.

- Có 08 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.

Cả nước đã chữa khỏi 89.145 bệnh nhân COVID-19.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19:

- Tổng số ca được điều trị khỏi ở nước ta đến nay: 89.145 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 499 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.

- Số ca tử vong do COVID-19 là 4.813

Tình hình xét nghiệm:

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến chiều ngày 12/8 đã thực hiện 7.680.044 mẫu cho 21.383.181 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19:

Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 12.098.821 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 11.006.121 liều, tiêm mũi 2 là 1.092.700 liều.

Điểm các hoạt động liên quan đến phòng chống dịch trong ngày 12/8:

Quyết tâm cao nhất để có vaccine COVID-19 sản xuất trong nước vào tháng 9/2021

Tất cả mọi cơ quan, mọi cá nhân có trách nhiệm phải quyết tâm, cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vì mục tiêu có vaccine COVID-19 sản xuất trong nước sớm nhất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 tới, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thông tin này tại cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác này.

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc "không cho người dân di chuyển trong 7 ngày" ở TP.HCM là giả mạo

Tối ngày 12/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh khẳng định thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc “không cho người dân di chuyển trong 7 ngày” là giả mạo.

Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung phối hợp, khẩn trương xác định và xử lý đối tượng tung tin giả mạo trên theo đúng quy định của pháp luật.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh khuyến cáo trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc, xấu độc nhằm gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Thành phố, vì vậy người dân cần theo dõi, nắm bắt thông tin qua các kênh thông tin chính thống; không chia sẻ các thông tin chưa được xác thực.

140 sản phụ trên 13 tuần tại TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine COVID-19

Ngày 12/8, Bệnh viện Hùng Vương TP Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thai phụ trên 13 tuần khi đến khám tại đây. Đây là một trong những bệnh viện đầu tiên trên địa bàn thực hiện tiêm chủng cho phụ nữ mang thai theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

140 sản phụ trên 13 tuần tại TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương TP Hồ Chí Minh

Hơn 3.000 y bác sĩ, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19

Đoàn cán bộ, sinh viên Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh gồm 80 người đã lên đường đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng hành cùng tỉnh chống dịch COVID-19 vào ngày 12/8. Bên cạnh đó, hiện đang có hơn 3.000 y bác sĩ, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại khắp các quận huyện, TP Thủ Đức.

Đã có 36.776 ca COVID-19, Bình Dương đưa vào vận hành Bệnh viện dã chiến Hồi sức Cấp cứu 437 giường

Ngày 12/8, Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 đã được đưa vào hoạt động với quy mô 437 giường, đặt tại khuôn viên Bệnh viện đa khoa quốc tế Becamex ở thành phố Thuận An. Đây là bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu đầu tiên tại Bình Dương do doanh nghiệp hỗ trợ triển khai, với sự chỉ đạo về chuyên môn và tăng cường nhân sự của Bộ Y tế.

Trong ngày 12/8, số ca mắc COVID-19 tại Bình Dương tăng rất cao với 3.028 ca COVID-19 (là địa phương có số ca bệnh cao thứ 2 trong ngày 12/8, chỉ sau TP Hồ Chí Min) nâng tổng số ca lên 36.776 ca.

Cần Thơ sử dụng xe lưu động triển khai tiêm phòng COVID-19 cho người dân các hẻm phong tỏa

Thông tin từ Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết số ca mắc COVID-19 trong ngày 12/8 là 235 ca, tăng cao nhất kể từ đầu đợt dịch COVID-19 đến nay. Hiện số ca mắc ở TP này đã lên đến 2.850 ca.

Theo Sở Y tế Cần Thơ, sở dĩ số ca dương tính trong cộng đồng tăng nhanh trong mấy ngày gần đây là do TP Cần Thơ đang triển khai chiến dịch xét nghiệm cộng đồng trên địa bàn toàn thành phố.

Cũng trong ngày 12/ 8, Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã sử dụng xe tiêm vaccine lưu động để triển khai tiêm phòng COVID-19 cho người dân các hẻm phong tỏa.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.