Sáng mãi ngọn đèn làng học Cẩm Bình

(Baohatinh.vn) - Với khẩu hiệu “sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, “thắp lửa” ngọn đèn làng học, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào giáo dục cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Điển hình của cả nước

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cũng như các địa phương trong cả nước, người dân Cẩm Bình ngoài đói cơm, thiếu thốn đủ bề, còn “đói” chữ. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, Cẩm Bình đã đứng lên xung kích trên các mặt trận, nhất là mặt trận “diệt giặc dốt”.

Sáng mãi ngọn đèn làng học Cẩm Bình

Ông Nguyễn Quang Huy - cán bộ lão thành cách mạng ở xã Cẩm Bình chia sẻ về phong trào bình dân học vụ của địa phương.

Năm nay đã tròn 92 tuổi, cụ Nguyễn Quang Huy - cán bộ lão thành cách mạng của xã Cẩm Bình vẫn còn nhớ như in phong trào bình dân học vụ của địa phương lúc bấy giờ. “Hồi ấy, 16 tuổi, tôi biết chữ sớm hơn nhiều người vì được học từ thầy dạy chữ Hán gần nhà. Cũng nhờ vậy mà tôi tham gia dạy học cho những người trong làng.

Ban ngày, mọi người hăng hái sản xuất, ban đêm đốt đuốc soi đường đến các lớp học. Không phân biệt già trẻ, trai, gái, khẩu hiệu hành động của xã lúc này là “Nhà nhà đi học, người người đi học”. Từ khẩu hiệu “Cả xã biết đọc, biết viết”, đến năm 1948, Cẩm Bình đã xóa được nạn mù chữ” - cụ Huy hồi tưởng.

Sáng mãi ngọn đèn làng học Cẩm Bình

Xã Cẩm Bình được Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu thi đua ngành giáo dục năm học 1975 - 1976.

Cũng trong năm 1948, xã đã thành lập Trường cấp I Cẩm Bình. Với khẩu hiệu “Sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”, Cẩm Bình tiếp tục phong trào bổ túc văn hóa trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1959, Cẩm Bình chính thức phát động phong trào bổ túc văn hóa và bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) phổ cập cấp I trong Nhân dân. Ngày 19/5/1966, Cẩm Bình được công nhận là xã đầu tiên trong cả nước thực hiện phổ cập cấp I cho toàn dân trong độ tuổi và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Sáng mãi ngọn đèn làng học Cẩm Bình

Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông 3 cấp xã Cẩm Bình giai đoạn 1966 - 1972 Nguyễn Đình Cư còn lưu giữ nhiều tài liệu về phong trào giáo dục của nhà trường.

Thầy Nguyễn Đình Cư (SN 1936) - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông 3 cấp xã Cẩm Bình giai đoạn 1966 - 1972, kể lại: “Không khí học lúc đó sôi nổi ở mọi lứa tuổi. Gia đình nào cũng có con cháu học ở trường, bố mẹ hoặc ông bà học ở lớp chuyên đề của hợp tác xã. Trong những bài giảng, chúng tôi khéo léo lồng lợi ích kinh tế vào học. Nhờ có học, người dân Cẩm Bình biết ruộng đất của mình ra sao, phải cải tạo như thế nào. Ở giai đoạn này, Cẩm Bình đã được cả nước biết đến là làng học”.

Ngọn đèn làng học sáng mãi

Với những nỗ lực vươn lên trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, ngọn đèn làng học Cẩm Bình đã tỏa sáng trong các giai đoạn lịch sử. Năm 1985, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ngành giáo dục xã Cẩm Bình; năm 2005, Trường Tiểu học xã Cẩm Bình được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, đưa Cẩm Bình trở thành xã đạt 4 danh hiệu anh hùng.

Sáng mãi ngọn đèn làng học Cẩm Bình

Phòng truyền thống của xã Cẩm Bình lưu giữ nhiều thành tích của địa phương về giáo dục

Trước đó, ngày 19/5/1969, Cẩm Bình vinh dự được Bác Hồ gửi tặng bức chân dung của Người có ghi dòng chữ: “Thân ái gửi lời khen Nhân dân và cán bộ xã Cẩm Bình đã làm tốt công tác giáo dục văn hóa”. Ngày 11/9/1978, Tổ chức UNESCO tặng Giải thưởng quốc tế Crúp-xcai-a cho xã Cẩm Bình: “Đơn vị lá cờ đầu về xóa bỏ nạn mù chữ và bổ túc văn hóa của Việt Nam”.

Sáng mãi ngọn đèn làng học Cẩm Bình

Bức chân dung được Bác Hồ gửi tặng ngày 19/5/1969 ghi dòng chữ: “Thân ái gửi lời khen Nhân dân và cán bộ xã Cẩm Bình đã làm tốt công tác giáo dục văn hóa” hiện vẫn đang được lưu giữ trong phòng truyền thống.

Hiện nay, xã Cẩm Bình có 5 trường học đóng trên địa bàn, gồm: trường mầm non tư thục, trường mầm non công lập, trường tiểu học, trường THCS, trường THPT. Ngoại trừ trường mầm non tư thục, còn lại các trường học đều đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 và luôn nằm tốp dẫn đầu của giáo dục Hà Tĩnh.

Sáng mãi ngọn đèn làng học Cẩm Bình

Năm 2021, xã Cẩm Bình phấn đấu xây dựng xã đạt NTM kiểu mẫu điển hình về giáo dục.

Từ nền tảng giáo dục vững chắc, Đảng bộ và Nhân dân Cẩm Bình tiếp tục nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển KT-XH. Đặc biệt, trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Cẩm Bình đã về đích sớm 2 năm (2013), trở thành 1 trong 7 xã về đích đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, Cẩm Bình đang tập trung nguồn lực để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021.

Sáng mãi ngọn đèn làng học Cẩm Bình

Đường về xã Cẩm Bình hôm nay.

Ông Nguyễn Thiên Toàn - Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: “Toàn xã hiện có 27 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã, 197 hộ dân buôn bán cố định, 90 mô hình SXKD dịch vụ cho doanh thu từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất của xã đạt gần 285 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,05 triệu đồng. Kết quả trên là nhờ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân luôn nêu cao phong trào giáo dục nhằm nâng cao dân trí, từ đó dẫn dắt phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho Nhân dân”.

Cẩm Bình là điển hình của cả nước trong phong trào giáo dục, xứng đáng với lời khen của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Tôi nghĩ trong các điển hình, điển hình Cẩm Bình là đẹp đẽ lắm, đẹp đẽ đặc biệt...”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống