Cầu tràn Cao Su xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh) bị mưa bão tàn phá, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Sau bão, cầu Bến Đá (xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) nằm trên tuyến đường liên thôn, phục vụ nhân dân 7 thôn đi lại bị sập gãy hoàn toàn, hiện tại không lưu thông được. Ông Lê Quang Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ cho biết: Cầu Bến Đá trước đây cũng đã bị mưa lũ làm hư hỏng, xuống cấp nhưng không có nguồn kinh phí sửa chữa nên người dân phải tự bỏ tiền, công ra làm cầu tạm để phục vụ nhu cầu đi lại. Cơn bão số 10 đã phá hỏng hoàn toàn cây cầu, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh. Đặc biệt, học sinh THCS phải đi vòng xa hơn 2-3 km mới đến được trường. “Đây là công trình cấp thiết, tỉnh, huyện cần quan tâm, sớm đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con trên địa bàn” - ông Nghĩa chia sẻ.
Tương tự, cầu tràn Cao Su ở xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh) cũng bị trôi 2 đầu mố đầu cầu, sạt lở đường phía bờ Nam đường liên thôn, làm ảnh hưởng đến 240 hộ dân của thôn Mỹ Thuận và Mỹ Tân. Một số người dân ở đây cho biết, cầu tràn Cao Su được đầu tư xây dựng từ năm 1999, năm 2016, do tác động của mưa lũ, cầu bị trôi 2 tấm bê tông nhưng được chính quyền địa phương và người dân kịp thời sửa chữa. Tuy nhiên, cơn bão số 10 vừa qua đã chia cắt con đường, buộc người dân phải đi đường vòng qua thôn Mỹ Lợi cách xa khoảng 2 km để sinh hoạt và sản xuất.
Những công trình trên đã được đưa vào diện ưu tiên khắc phục sửa chữa, nâng cấp để phục vụ đời sống dân sinh và đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho người dân những năm tiếp theo. Ông Lương Quang Diên – Trưởng phòng Ngân sách huyện xã (Sở Tài chính) cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá các công trình, hạng mục cấp bách bị thiệt hại nghiêm trọng do cơn bão số 10 gây ra, cần sửa chữa, khắc phục kịp thời để phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất của nhân dân. Qua kiểm tra các huyện bị thiệt hại nặng nề như: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà và Nghi Xuân có 77 công trình dân sinh thiết yếu, trong đó, bao gồm hạng mục cầu, cống, đê, kè…
Hầu hết những công trình trên đều có yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí xây dựng lớn nên địa phương chưa thể khắc phục ngay, cần được hỗ trợ nguồn vốn từ trung ương. Các công trình, hạng mục cấp bách theo đề xuất của các địa phương hơn 55 tỷ đồng, trong đó, Cẩm Xuyên 23,4 tỷ đồng; TX Kỳ Anh 12,45 tỷ đồng; Kỳ Anh 9,5 tỷ đồng; Hương Khê 7,5 tỷ đồng; Nghi Xuân 3 tỷ đồng. Số kinh phí trên chỉ mới đáp ứng cho những công trình được đánh giá ưu tiên, cần sửa chữa ngay nhằm đảm bảo an toàn, phục vụ đời sống dân sinh.
Một số công trình hư hỏng nặng, buộc phải làm mới cần kinh phí lớn, thời gian dài như: Chân kè Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) bị sạt lở nghiêm trọng, xói vào thân kè do hổng đất mái kè đá phía trong bị sạt lở dài khoảng 40m, cần khắc phục kịp thời với kinh phí địa phương đề xuất 20 tỷ đồng. Hay mố cầu Khe Vịnh, khu tái định cư Tân Long, xã Kỳ Long (huyện Kỳ Anh) bị sạt lở vào tận mép đường; nón mố cầu bị xói lộng mặt đường, có nguy cơ sạt lở nền mặt đường. Để đảm bảo ổn định nền đường trong mùa mưa lũ, trước mắt, xây kè gia cố mái ta-luy, nắn chỉnh dòng chảy với kinh phí đề xuất của địa phương 8 tỷ đồng…
Sau bão, các công trình dân sinh thiết yếu thiệt hại nặng nề nhưng trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên việc nâng cấp, sửa chữa kịp thời là hết sức khó khăn. Tại cuộc họp đánh giá về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục sau cơn bão số 10, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng: “Trong khi chờ nguồn kinh phí từ trung ương cấp, các sở, ngành liên quan phải tính toán, xem xét ưu tiên các công trình dân sinh thiết yếu thực sự cấp bách để tỉnh xem xét phân bổ nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa”.