Bà con nông dân xã Cẩm Lạc phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt hai.
Không quá căng thẳng như những vụ hè thu trước, năm nay, theo đánh giá của bà con nông dân, tình hình thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất. Chỉ trừ mấy ngày đầu vụ do thiếu nước gieo cấy, còn lại quá trình chăm sóc đều gặp “ngưỡng” tốt nhất nên cây lúa “thấm” dinh dưỡng và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, sâu cuốn lá xuất hiện có nguy cơ “đe dọa” đến sự phát triển và năng suất của lúa hè thu.
Mặc dù không phải là “điểm nóng” của sâu cuốn lá trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên nhưng ở Cẩm Lạc, loài sâu nguy hiểm này vẫn xuất hiện khá sớm và phổ biến ở hầu khắp các chân ruộng. Theo bà con nông dân thì trong lứa một, mật độ sâu cuốn lá khoảng 30-40 con/m2. Điều quan trọng, hiện tượng gối lứa sâu thứ 2 đã bắt đầu hiện diện.
Ông Võ Hữu Hùng (thôn Quang Trung 2) cho hay: Tôi làm 7 sào lúa, chủ yếu là xuân mai, khang dân. Mấy hôm nay, ngày nào cũng ra thăm đồng, một phần đi phun phòng trừ cỏ mì, một phần phải lật gốc lúa xem đã có lứa sâu cuốn lá mới chưa. Đây là thời kỳ sinh trưởng quan trọng nhất của cây lúa, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ làm tổn hại đến năng suất. Ở lứa sâu đầu tiên (cách đây khoảng 10 ngày), xã đã phát động bà con ra đồng phun thuốc phòng trừ nên đến thời điểm này, lứa sâu trưởng thành chưa thấy phát sinh.
Không được thảnh thơi như vùng trên, các địa phương ven biển luôn là nơi “dòm ngó” đầu tiên của loài sâu cuốn lá. Nếu như ở Cẩm Xuyên, các vùng đồng của Cẩm Dương, Cẩm Huy, sâu cuốn lá đã “tái xuất” với mật độ 15 con/m2 (cao nhất huyện ở thời điểm hiện tại và gấp 3-4 lần trung bình toàn huyện) thì Thạch Hà, vùng “xung yếu” của sâu bệnh lại là Thạch Văn, Thạch Thắng… Vào những buổi chiều muộn, khi nắng trong ngày đỡ gay gắt hơn cũng là thời điểm bà con tập trung ra đồng đông đúc nhất. Người làm cỏ bờ, người tranh thủ tỉa dặm, người bón thúc; nhiều người khác đã bắt đầu phun phòng trừ lứa sâu cuốn lá mới.
Chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Tân Văn, Thạch Văn) cho biết: “Sâu cuốn lá ra lứa mới, đã có cả sâu con và nhộng, theo kinh nghiệm thì ít ngày nữa chúng sẽ phát triển, mật độ sẽ cao hơn. Chúng tôi phải phòng trừ sớm, nếu không, khi chúng “nở rộ” thì khó mà kiểm soát”.
Bắt nhịp chậm hơn, ở Thạch Thắng, do đầu vụ một số vùng nước về muộn nên ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy. Ở nhiều chân ruộng, bà con đang tiến hành bón đạm và dặm tỉa. Chị Lê Thị Hoa (xóm 7) chia sẻ: “Trời nắng nóng quá, không bón thúc thì lúa hết dinh dưỡng, mà bón đạm vào thời điểm này cũng ngay ngáy bị “phản ứng ngược”. Chúng tôi phải chờ trời thật mát mới ra đồng. Thời tiết nắng nóng sẽ làm cho cây lúa hấp thu kém”.
Trong khi đó, ở các vùng miền núi Hương Sơn, Đức Thọ, tập đoàn rầy nâu, rầy lưng trắng đang “rình rập” lúa hè thu. Mật độ phổ biến đang ở mức thấp với 10-20 con/m2, có nơi có thể đạt 100-300 con/m2, đánh dấu sự tái xuất của loài dịch hại nguy hiểm số một trên đồng ruộng hè thu.
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Lúa hè thu đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Đây là thời điểm thuận lợi cả về điều kiện thời tiết lẫn nguồn thức ăn cho các đối tượng dịch hại phát sinh. Đặc biệt, sâu cuốn lá nhỏ có khả năng phát sinh gây hại nặng trên diện rộng từ 20/7 trở đi, đúng vào lúc lúa đứng cái, làm đòng. Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, điều tra, phát hiện và phun trừ kịp thời khi sâu non đang ở tuổi 1, tuổi 2. Ngành khuyến cáo bà con chỉ phun thuốc ở những diện tích có mật độ sâu lớn hơn 10 con/m2 bằng một trong các loại thuốc hóa học như: Clever 150SC; Vitako 40WG; Voliam Targo 063SC; Opulent 150SC; Takumi 20 WG...”.