Công nhân Công ty CP May Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ sản xuất, cung cấp hàng kịp thời cho các đối tác.
Công nhân Trần Thị Nguyệt chia sẻ: “Đơn hàng ngày thường vốn đã nhiều, thời điểm cận tết tăng gấp 3, 4 lần, đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực tăng ca liên tục để giao hàng cho đối tác đúng hợp đồng đã ký kết. Với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã, công ty luôn xây dựng chiến lược kinh doanh khoa học, linh hoạt để những chuyến hàng xuất đi luôn đảm bảo yêu cầu khắt khe về thẩm mỹ và chất lượng”.
Mặt hàng thời trang thay đổi mẫu mã hàng ngày, mỗi sản phẩm là một sự sáng tạo riêng. Để vươn ra thị trường “khó tính”, người đứng đầu công ty luôn trăn trở để có thật nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Và 2017 được đánh giá là một năm thuận lợi với Công ty CP May Hà Tĩnh khi có số đơn hàng khá ổn định, đơn giá tăng so với trước.
Đặc biệt, nhờ đã xây dựng được thương hiệu nên ngoài các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan…, năm nay, công ty đã đàm phán thành công với “ông lớn” Hoa Kỳ và đã xuất sang đây khối lượng sản phẩm khá lớn.
Công nhân Công ty đã biều chiều lòng nhiều khách hàng "khó tính"
“Không đơn giản mà một doanh nghiệp địa phương xa trung tâm kinh tế có thể xuất hàng sang các nước tiên tiến. Cũng như thị trường Nhật Bản, thị trường Mỹ đòi hỏi nhiều ràng buộc khắt khe. Đối tác sử dụng nhiều phép thử để đánh giá năng lực của công ty như: Đơn hàng nhỏ giọt, chất lượng cao, tiến độ giao hàng gấp, đơn giá thấp… Càng đòi hỏi cao, chúng tôi càng nỗ lực và đã khẳng định được vị thế, chiếm được lòng tin của đối tác. Mừng hơn là bây giờ Nhật Bản sẵn sàng xem xét nâng cao đơn giá, giúp đỡ về tài chính để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn” - ông Bùi Tất Thắng - Giám đốc Công ty CP May Hà Tĩnh phấn khởi chia sẻ.
Với thế mạnh may gia công, năm 2016, Công ty CP May Hà Tĩnh đã xuất 480.000 sản phẩm với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,3 triệu USD. Năm nay, thị trường mở rộng, dự kiến công ty sẽ xuất hơn 500.000 sản phẩm với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,5 triệu USD (tăng hơn 10% so với năm 2016). Trong đó, tỷ trọng hàng fob (mua nguyên liệu, tự sản xuất và xuất khẩu) chiếm 35% và 65% là hàng may gia công. Từ đây cho thấy sự trưởng thành rõ nét của một doanh nghiệp may mặc địa phương.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của công ty là thiếu hụt nguồn lao động, công nhân nghỉ việc nhiều gây thiệt hại về chi phí đào tạo, ảnh hưởng lớn tới năng suất, tiến độ giao hàng. Ngoài ra, nguồn tài chính của công ty hạn hẹp nên không có để đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm đuổi kịp công nghệ thay đổi đến “chóng mặt” của ngành may mặc hiện nay.
Với 8 dây chuyền, 400 máy như hiện nay chưa đủ để đáp ứng số lượng đơn hàng của các đối tác. Đó là chưa nói đến đội ngũ quản lý của Công ty CP May Hà Tĩnh hiện có thể quản lý từ 800 – 1.000 lao động, từ đây đặt ra vấn đề về lãng phí nguồn nhân lực quản lý và chi phí quản lý. Để ngành may mặc Hà Tĩnh vươn xa hơn, rất cần sự tiếp sức, hỗ trợ của tỉnh, nhất là vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi công nghệ hiện đại.