Chợ cá Cồn Gò hoạt động từ 3h - 6h30 sáng hằng ngày, tuy nhiên, không gian sinh hoạt thường bị bao trùm bởi bóng đêm vì không có điện chiếu sáng.
Là đầu mối mua bán hải sản tươi sống nên từ 3h sáng, chợ cá Cồn Gò đã bắt đầu hoạt động. Lúc cao điểm, chợ có khoảng 500 - 700 người đến mua bán.
Chợ họp từ rất sớm trong bối cảnh không có điện chiếu sáng nên mọi hoạt động đều diễn ra dưới ánh sáng leo lét của những chiếc đèn pin đội đầu hoặc đèn tích điện do người dân mang theo. Bởi vậy, hoạt động mua bán gặp nhiều rủi ro, bất tiện, mất an toàn.
Đến nơi này mua bán, ai cũng phải có đèn pin đội đầu hoặc bóng đèn tích điện đeo trước ngực.
Bà Nguyễn Thị Tiến ở thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng phản ánh: “Hơn 3 giờ đã phải ra chợ, chạy sấp, chạy ngửa trên bãi cát gồ ghề đến 4h30 sáng mới mua được hơn 1 yến cá. Dù phải chen chúc và chịu áp lực mua cho đủ hàng nhưng cứ 10 phút, tôi lại phải chạy ra chỗ quang gánh để kiểm tra số hải sản đã mua vì trời tối, người lộn xộn dễ bị mất trộm".
Các tiểu thương rọi đèn sơ chế hải sản ngay trên nền cát tại chợ.
Là một trong những khu chợ lớn trong vùng nhưng đường vào chợ cá Cồn Gò khá bất tiện. Người dân phải đi trên bãi cát lún hoặc đi trên một con đường khác rất nhỏ hẹp, gồ ghề.
Trong khu chợ đầu mối này hiện tại vẫn chưa có: ki-ốt, đình, khu vực kinh doanh, sạp kê hàng hóa, nền cứng và không có cổng chợ. Cảnh mua bán ở đây diễn ra cũng rất lộn xộn, thường xuyên xẩy ra chen chúc, xô đẩy. Hải sản bày bán ngổn ngang dưới mặt đất, đồ dùng vứt tùy tiện.
Không có quầy hàng, sạp kê nên các tiểu thương này chia cá ngay trên bãi cát đầy rác, thậm chí để cá trên tấm ván của chiếc giường hỏng mới bị sóng đánh vào bờ.
Chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Phúc Hải (xã Cẩm Nhượng) chia sẻ: “Đường sá đi lại khó khăn, hạ tầng chưa có gì nên tiểu thương chúng tôi rất vất vả. Đông cũng như hè, nắng cũng như mưa, bà con đều phải mặc áo mưa tại chợ, đi trên nền cát sục. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành sớm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để cải thiện môi trường kinh doanh, buôn bán cho bà con. Nếu chưa có kinh phí làm khang trang, đồng bộ thì trước mắt, cần đầu tư những hạng mục thiết yếu để bà con đỡ vất vả”.
Luồng lạch cạn, hạ tầng không đảm bảo nên ngư dân rất vất vả khi dùng thuyền thúng để đưa hải sản từ thuyền vào bờ.
Không chỉ có tiểu thương mà các ngư dân vào bán hải sản tại đây cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Ông Phan Thế Khẩn (ở xã Cẩm Dương) cho hay: “Vì chưa có đê kè, luồng lạch chưa được nạo vét, cảng cá chưa xây nên mỗi khi mang hải sản vào chợ Cồn Gò bán, chúng tôi phải đẩy thuyền thúng đi lại nhiều lần khi trời còn tối, trên quãng đường 50 - 70m rất vất vả, nhất là lúc mưa gió, rét mướt, triều cường xuống sâu. Bà con chúng tôi rất mong cấp trên ưu tiên đầu tư xây dựng âu thuyền, bến cảng, chợ cá khang trang, đồng bộ”.
Môi trường ở chợ cá Cồn Gò hiện nay cũng khá nhếch nhác, lâu ngày không được dọn dẹp. Trên bãi cát họp chợ đầy rẫy túi bóng, chai nhựa, gạch vữa, cành cây khô và nhiều loại rác thải khác. Dù môi trường như vậy nhưng các tiểu thương vẫn “vô tư” bày bán, chia phần, sơ chế hải sản ngay tại chỗ.
Môi trường quanh chợ cá Cồn Gò thường xuyên bị ô nhiễm.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Môi trường, điều kiện kinh doanh ở chợ cá Cồn Gò rất khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm này không thể đầu tư xây dựng các hạng mục nhỏ lẻ theo ý kiến của bà con (điện chiếu sáng, ki-ốt, bãi tập kết rác...) vì ở khu vực này tỉnh đã có quy hoạch xây dựng tổng thể các hạng mục như: nạo vét luồng lạch, xây cầu cảng, kè biển, cụm công nghiệp... Rất mong cấp trên và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh sớm triển khai thực hiện quy hoạch để người dân yên tâm hoạt động kinh doanh tại chợ”.