Sử dụng thực phẩm chức năng trôi nổi: Tiền mất, tật mang!

(Baohatinh.vn) - Muốn khỏe thì tìm đến thực phẩm chức năng (TPCN), muốn trở nên xinh đẹp trong chớp mắt ắt phải sử dụng TPCN... Với những lời quảng cáo “có cánh” của các nhà sản xuất, người tiêu dùng Hà Tĩnh đang ngày càng phụ thuộc vào thứ “thần dược” TPCN mà không cần quan tâm bản chất của nó...

“Sính” ngoại

Bất kể già - trẻ, gái - trai, hễ nhắc đến thực phẩm chức năng (TPCN) thì không ai là không biết, thậm chí là không một lần sử dụng nó. Đành rằng, TPCN là loại thực phẩm cung cấp dinh dưỡng cơ bản, tăng cường sức khỏe nhờ các chất chống oxy hóa (beta-caroten, lycopen, lutein, vitamin C, vitamin E...), chất xơ và một số thành phần khác.

Nhưng, thực phẩm này không phải là thuốc và nó phải được cơ quan y tế chứng nhận đối với loại có lợi cho sức khỏe hoặc giấy tờ đăng ký sản phẩm đối với loại thực phẩm có chức năng truyền tải lợi ích tiềm tàng. Chỉ vì người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ những kiến thức cơ bản này mà “bắt quạ” bất cứ thứ gì, miễn tên gọi nó là TPCN. Và tất nhiên, phải là nhập ngoại, xách tay thì mới là loại đáng “đồng tiền bát gạo”.

Thực phẩm chức năng được bán tràn lan tại các hiệu thuốc trên địa bàn TP.Hà Tĩnh

Sinh con được 4 tháng, chị Lê Thị Phương ở phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) thấy lượng sữa ít dần. Nghe theo lời giới thiệu của một người bạn, chị Phương tìm mua viên uống lợi sữa Pregnacare xuất xứ từ Anh quốc với giá 530.000 đồng/hộp. Uống hết 2 hộp đầu tiên, chị Phương thấy lượng sữa của mình tăng lên không đáng kể. Tuy vậy, chị vẫn “tặc lưỡi” thôi thì “có bệnh thì vái tứ phương” huống hồ đấy lại là hàng ngoại, chắc chắn phải tốt.

Chị Phương chia sẻ: “Thực ra thì dùng TPCN xách tay, tôi cũng băn khoăn. Tất cả nhãn mác ghi trên hộp đều bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, chỉ thấy người bán tư vấn uống thế nào thì uống thế đấy. Có điều, ai cũng bảo hàng ngoại tốt hơn nên vẫn sử dụng”.

Còn chị Trần Thị Hà (phường Thạch Linh) có con 3 tuổi bị ho dị ứng thời tiết, mặc cho các loại siro bán đầy hiệu thuốc tây nhưng chị vẫn mỏi mắt cả ngày săn lùng trên mạng xã hội facebook mua hàng xách tay, rồi mất thêm mấy ngày chờ đợi mới có được lọ siro ho Prospan xuất xứ Úc. “Riêng Prospan bây giờ cũng nhiều lắm, nội có, ngoại có, mà riêng hàng ngoại cũng đã mấy nơi xuất xứ rồi. Nghe mấy chị bạn giới thiệu, loại của Úc đang được ưa chuộng nhất hiện nay nên em đặt mua”.

Chẳng biết tốt xấu thế nào, “cơn lốc” TPCN đã len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống. Hàng trăm loại nhãn mác, không chỉ các đại lý mà nhiều cá nhân còn rao bán TPCN trên các trang mạng xã hội dưới mọi hình thức. Càng là hàng ngoại thì càng được quan tâm, “hàng xách tay” Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… giá có thể từ vài trăm đến hàng triệu đồng cho một sản phẩm. Ngoài ra, TPCN còn được kinh doanh dưới hình thức đa cấp. Không chỉ lôi kéo những người có nhu cầu mua sản phẩm vào mạng lưới bán hàng mà các công ty này còn dùng các “chiêu trò” để lôi kéo thành viên mới.

Lo ngại những nguy cơ không lường trước…

Theo một khảo sát chưa đầy đủ thì TPCN xách tay được mệnh danh là “nhiều không” (không có xuất xứ rõ ràng, không được cơ quan nào kiểm duyệt, không được Bộ Y tế cấp phép, không biết rõ chất lượng...) đang được bán tràn lan ở nhiều cửa hàng, trên mạng internet, thậm chí, cả nhà thuốc... khiến không ít người cả tin mua nhầm rồi rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Trong khi đó, để mời gọi khách hàng, nhiều doanh nghiệp cố tình quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, khiến nhiều người tưởng nhầm đó là “thần dược” có khả năng chữa bệnh mà “mắc lưới” hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết: “Hàng xách tay là hàng được mang theo người và để sử dụng cá nhân, chứ không được phép bán ra thị trường. Đối với các trang mạng, các cửa hàng bày bán sản phẩm (tự quảng cáo là) TPCN xách tay là hàng bất hợp pháp. Việc người tiêu dùng mua các sản phẩm TPCN xách tay không đơn giản chỉ là tiếp tay cho buôn lậu mà đây còn chính là một hành vi phạm pháp”.

Về vấn đề này thì không chỉ đối với hàng xách tay. Việc người tiêu dùng tạo ra “cơn lốc” về hàng ngoại đã khiến không ít cơ sở sản xuất trong nước cũng nhân cơ hội “đục nước béo cò” ồ ạt chạy theo thị trường. Chị Ngân Giang ở TP Hà Tĩnh sau khi tìm hiểu trên Facebook đã tìm mua thuốc tăng cân gia truyền với mức giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/hộp (100 viên).

Mẹ chị Ngân Giang cho PV xem hộp thuốc tăng cân gia truyền mà con gái đã mua dùng

Chị Ngân Giang cho biết: Thuốc chỉ bán qua mạng, ai mua thì họ ship hàng. Ngoài bao bì cũng không ghi địa chỉ nhà sản xuất nhưng thấy rẻ nên mua dùng. Sau khi dùng thuốc 1 tháng, chị thấy tăng cân như mong đợi nên thôi không dùng nữa. Tuy nhiên, sau khi nghỉ dùng thuốc, chị bị sụt cân, thậm chí là gầy hơn so với trước.

TPCN của nước ngoài được quản lý, kiểm nghiệm chất lượng khá chặt chẽ và bản thân giá của sản phẩm đó khá rẻ. Tuy nhiên, khi chuyển về Việt Nam, giá được đội lên rất nhiều.

Thực tế trên cho thấy, các cơ quan chức năng dường như đang lúng túng, buông lỏng quản lý đối với mặt hàng này...

(Còn nữa)

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói