Tác giả của “O du kích nhỏ” nặng lòng với quê hương Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau khi làm lễ hỏa táng vào ngày hôm nay (12/12) tại Hà Nội, thể theo di nguyện của người đã mất, tro xương của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan sẽ được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà ở Hà Tĩnh.

Từ trước đến nay, công chúng vốn đã rất quen thuộc với bức ảnh “O du kích nhỏ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan chụp ở Hương Khê vào tháng 9/1965. Hình ảnh nữ chiến sĩ du kích Việt Nam với vóc dáng bé nhỏ hiên ngang áp giải tên giặc lái Mỹ cao lớn đang cúi đầu lê bước đã trở thành hình tượng đẹp phản ánh tư thế của Việt Nam trong cuộc đối đầu lịch sử.

Sau khi được trưng bày trong triển lãm ảnh toàn quốc, năm 1968, bức ảnh này giành được HCV Triển lãm ảnh quốc tế tại Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ IX tổ chức tại Xôphia (Bun-ga-ri). Khi xem bức ảnh này, nhà thơ Tố Hữu đã ngẫu hứng “vịnh ảnh” rất hay, được nhiều người thuộc lòng:

O du kích nhỏ giương cao súng.

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu.

Ra thế! To gan hơn béo bụng.

Anh hùng đâu cứ phải mày râu!

Tác giả của “O du kích nhỏ” nặng lòng với quê hương Hà Tĩnh

Tác phẩm ảnh “O du kích nhỏ” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phan Thoan.

Tôi may mắn sớm biết ông vì nhiều lẽ. Trước hết, ông là người bạn thân thiết của bố tôi thời còn cùng nhau công tác tại Ty Văn hóa Hà Tĩnh cũ, từng tự nhận là học trò của ông ngoại tôi là Trần Lập ở xã Thuận Lộc. Ông hơn tuổi bố tôi, từng đến thăm nhà tôi tại xã Bùi Xá nay là Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ. Khi còn là cậu học sinh cuối cấp của Trường Cấp III Trần Phú, chúng tôi thi thoảng tìm đến nhà ông để chụp ảnh lưu niệm. Nhà ông ở xã Đức Thủy, cách trường không xa. Những tấm ảnh sinh hoạt ông chụp chúng tôi bên cạnh bụi tre hay lá cọ trong vườn nhà đến giờ tôi vẫn coi là báu vật.

Nghệ sĩ Phan Thoan sống với gia đình ở quê một thời gian thì ra Hà Nội. Riêng câu chuyện ông không chịu chuyển “hội tịch” về Thủ đô cho đến lúc này vẫn khiến chúng tôi xúc động. Có lần trả lời phỏng vấn trên VTV1, ngoài cái danh hiệu Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ông tuyên bố mình là Hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Với ông, Hà Tĩnh không chỉ là quê hương, nơi sinh ra và lớn lên mà còn là nguồn đề tài của bao năm lăn lộn trong gian khó, trong đó có những tác phẩm giúp ông sớm vinh dự nhận được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Tác giả của “O du kích nhỏ” nặng lòng với quê hương Hà Tĩnh

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Thoan (thứ 3 bên phải sang) đến thăm Văn phòng Hội LHVHNT năm 2004. Ảnh tư liệu

Khi đang ở Hà Nội, mỗi lần về thăm quê, ông đều dành thời gian ghé thăm Sở Văn hóa - Thông tin và Hội Văn nghệ tỉnh. Vẫn dáng dấp thô mộc, quê kệch, máy ảnh khoác chéo vai, đến đâu cũng cười nói ồn ào chào hỏi mọi người. Khi có người hỏi chuyện, ông lại nghiêng đầu che vành tai để nghe vì ông vốn nặng tai do ảnh hưởng của những trận bom trong thời chiến.

Hồi mới tách tỉnh, tôi đích thân dẫn ông đi tìm nhà chị Nguyễn Thị Kim Lai, đưa ông trở lại thăm Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - chiến trường xưa ông từng lăn lộn và để lại cho đời nhiều tấm ảnh tư liệu quý giá.

Thế hệ sau, kể cả trong ngành nhiếp ảnh hầu như chỉ nhớ ông là tác giả bức ảnh “O du kích nhỏ”. Nhiều người không biết ông còn là chủ nhân của bao nhiêu tấm hình tư liệu về Hà Tĩnh, đặc biệt là những khoảnh khắc mà ông đã dũng cảm ghi lại được trong cảnh giao tranh ác liệt của thời đánh Mỹ. Ảnh của Phan Thoan vừa là ảnh thời sự, ảnh tư liệu nhưng lại được khai thác dưới góc độ của một nghệ sĩ luôn săn tìm những góc độ, ánh sáng, khoảnh khắc để đưa lại cho công chúng những cảm xúc trọn vẹn về đời sống. Ảnh của ông toát lên sự ấm áp, chân tình, một thái độ nâng niu, tự hào, trân trọng mà ông dành trọn cho quê hương, đất nước.

Nghệ sĩ Phan Thoan mất vào lúc 0h30’ sáng 8/12 tại nhà riêng ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Sau đúng 1 ngày, sáng 9/12, anh Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê là người đầu tiên điện cho tôi, báo tin tác giả của bức ảnh nổi tiếng được chụp ở Hương Khê đã qua đời. Tự dưng trong tôi trào dâng một cảm xúc khó tả vì sự trân trọng của người đời dành cho một tài năng, một nhân cách lớn. Được biết thêm, sau khi làm lễ hỏa táng vào ngày 12/12 tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội, thể theo di nguyện của người đã mất, tro xương của ông sẽ được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà thuộc xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ.

Không thể gắng thêm vài năm nữa để tròn trăm nhưng nghĩ thầm đến lúc này ông đã có thể nhẹ lòng bỏ máy, nhắm mắt xuôi tay để trở về với quê hương sau những cống hiến xuất sắc cho lao động sáng tạo nghệ thuật và may mắn có cơ hội được vinh danh tỏa sáng.

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.