Tài học và chí học của bậc danh nhân văn võ song toàn người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Danh nhân Phan Kính, sinh ngày 12/11 năm Ất Mùi (6/2/1715), tại thôn Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An, nay thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Vốn sáng dạ, ham học, nổi tiếng “thần đồng” từ thuở nhỏ, lại được gia đình cho ăn học tử tế, năm lên bảy đã thuộc Thiên Gia Thi; năm Nhâm Dần (1722), trong kỳ sát hạch của xã Lai Thạch, bài văn của cụ Phan được xếp thứ nhất.

Tài học và chí học của bậc danh nhân văn võ song toàn người Hà Tĩnh

Sắc phong Thám hoa của vua Cảnh Hưng ban cho Phan Kính. Ảnh tư liệu

Khi còn nhỏ, do gia cảnh gặp nhiều khó khăn, cụ vừa phải giúp gia đình lo việc đồng áng, vừa dốc sức vào việc học hành. Trong bài văn bia từ đường họ Phan (thôn Vĩnh Gia) được khắc bằng chữ Hán năm 1756, cụ đã ghi lại: “Nhà nghèo, giấy bút, đồ dùng cái gì cũng thiếu, thường phải lộn mặt giấy cũ để làm văn, không có đèn học thì phải chờ ánh trăng hoặc đến khuya thì ngồi cạnh khung dệt của mẹ để chung đèn mà đọc sách”.

Năm Kỷ Dậu (1729), cụ được gia đình gửi ra thành Vinh để học với cụ Ngô Thám Hoa đang giữ chức Tham chính ở Nghệ An sau đó được giới thiệu ra kinh đô thụ giáo với các bậc đại nho. Sau nhiều năm lưu học ở Thăng Long, bao phen lận đận nơi trường ốc, cụ Phan trở về quê lấy vợ, sinh con và tiếp tục theo học binh thư, miệt mài kinh sử.

Cũng trong văn bia được khắc ở từ đường, cụ kể lại: “Mùa xuân năm Quý Hợi (1743), hai mươi chín tuổi, tôi mang cặp trẩy kinh, qua sông Lam ném dao xuống dòng nước chảy thề rằng không trúng không trở về, khảng khái quyết tâm “Đề thơ cột cầu”, từ đó ngày đêm vật lộn với sách vở. Mùa đông năm ấy, gặp khoa đại tỷ, thơ phú đứng hàng thứ nhất, văn sách đứng thứ năm, vào thi Đình đỗ Thám hoa, được trao từ lệnh ở bên vua, áo gấm đai bạc, bao nhiêu điều lam lũ chứa chất cả đời một phen rửa sạch”.

Giai thoại còn kể rằng, trên đường ra kinh dự thi, một ông phú hộ nghe tài bèn nhờ cụ viết hộ cho bài văn tế và cụ vui vẻ nhận lời để kiếm thêm ít tiền lộ phí. Vì việc này mà cụ Kính ra đến trường thi bị trễ, sáng mai thi mà cuối chiều trước đó chưa kịp làm thủ tục thì cổng trường đã đóng chặt. May mà đêm ấy có mưa to gió lớn, lều chõng sĩ tử bị đổ hết. Nhà vua ban lệnh hoãn chuyển sang ngày hôm sau.

Tài học và chí học của bậc danh nhân văn võ song toàn người Hà Tĩnh

Rước sắc phong vua ban tại lễ Kỷ niệm 256 năm ngày mất Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính ở đền thờ Thành hoàng Anh nghị Đại vương Phan Kính xã Kim Song Trường - Can Lộc - Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu

Khi xét vớt, chỉ còn một thí sinh cuối cùng được thêm vào danh sách, đó chính là cụ Phan Kính. Chúa Trịnh nói “Anh này thế nào cũng đỗ”. Trong khoa thi ấy, vượt qua hơn 3.000 sĩ tử, cụ được chọn vào thi Đình và quyển thi của Phan Kính được nhà vua dùng bút son ngự phê cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Đỗ đầu khoa thi với danh vị Thám hoa) là học vị cao nhất của khoa thi này, do nhà vua không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn.

Năm Giáp Tý (1744), cụ Phan Thám hoa ra kinh đô Thăng Long nhận sắc phong giữ chức Hàn lâm viện đãi chế, chuyên việc cung phụng từ lệnh ở bên vua.

Kể từ đó, cụ được triều đình tin tưởng, lần lượt giao giữ các chức vụ như Tuyên úy phó sứ đi kinh lý trấn Nghệ An, giám khảo kỳ thi Hương, Hiệp đồng trấn Sơn Tây, thăng hàm “Đông các đại học sĩ” và điều đi nhận chức Đốc đồng trấn thủ sự vụ xứ Thanh Hóa, Thự đốc thị Nghệ An, Đốc đồng Tuyên Quang kiêm thừa Chánh sứ, Kinh lược sứ, Tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hóa.

Trong thời gian này (1760), vua Càn Long rất mến phục tài trí của cụ nên đã gia phong cho Phan Kính danh vị “Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa”, tặng một chiếc áo cẩm bào và bức trướng có ghi hai dòng chữ “Thiên triều đặc tứ, Bắc Đẩu dĩ Nam, nhất nhân nhi dĩ”.

Do làm việc quá sức, trải qua nhiều gian lao, vất vả, lại bị nhiễm chướng khí sơn lâm, cụ đã qua đời tại nhiệm sở Hưng Hóa ngày 8/6 năm Tân Tỵ (7/7/1761), khi mới 47 tuổi.

Tài học và chí học của bậc danh nhân văn võ song toàn người Hà Tĩnh

Áo cẩm bào vua Càn Long Trung Quốc ban tặng Lưỡng Quốc Thám hoa Phan Kính và sắc phong. Ảnh: Internet

Sau khi tiến hành trọng thể nghi lễ phúng điếu, thi hài cụ được rước về kinh đô Thăng Long. Nhà vua lấy làm thương tiếc ban sắc truy phong chức Hữu thị lang Bộ hình, tước Quỳ dương bá, thụy Trung hiển, giao cho Bộ lễ cùng binh lính hộ tống linh cữu cụ về mai táng tại quê nhà. Năm Quý Mão (1783), vua Lê Hiển Tông phong sắc tôn cụ Phan Kính là Thành hoàng, gia phong cụ là “Anh nghị Đại vương”.

Năm 1992, nhà thờ Phan Kính tại xã Kim Song Trường được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Một số nơi như ở tỉnh Ninh Bình cũng đã hàng trăm năm lập đền thờ cụ. Phan Kính đã được chọn để đặt tên đường tại TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TP Vinh (Nghệ An) và tên trường tiểu học xã Song Lộc cũ.

Cụ cũng được Hội đồng họ Phan Việt Nam chọn để đặt tên giải thưởng danh giá cho những con em dòng dõi họ Phan thành đạt. Như ngôi sao Bắc Đẩu chốn trời Nam, Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa Phan Kính là bậc danh thần văn võ song toàn, chính trị, ngoại giao đều có công trạng xuất sắc. Cụ là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, tài học và nổi tiếng là một vị quan với đức sáng liêm chính, công bình.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Ông quê ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, lập được nhiều công trạng. Ông phụng sự trong 3 triều vua Lê (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông) và 2 đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng.
Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Với 28 năm bền bỉ gắn bó với công tác hội, chị Trần Thị Khuyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) luôn là người "dẫn đường" cho phong trào của chị em ở địa phương ngày càng phát triển.
Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Lễ khởi công phục dựng đền Nhà Ông ở xã Sơn Bằng (Hương Sơn – Hà Tĩnh) nhằm tri ân bậc tiền nhân có công lao với quê hương và người dân trong vùng.
Gìn giữ nếp nhà

Gìn giữ nếp nhà

“Nước có quốc pháp, nhà có gia phong” - câu thành ngữ về nếp nhà ấy đang được mỗi gia đình người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng giữ gìn, phát huy, kiến tạo tổ ấm hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng.
Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Anh Hoàng Xuân Quý - Quản đốc Phân xưởng cơ điện của Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải (Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh) đã có nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Tại Hà Tĩnh, ngày càng nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng bằng những việc làm thiết thực nhất.
Phố trong lòng sông...

Phố trong lòng sông...

Tôi vẫn thường nghĩ về sự ưu ái của thiên nhiên khi trong những biến đổi địa chất đã để lại cho thành phố Hà Tĩnh địa hình ba mặt sông bao quanh...
Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Dù không phải là lễ trọng như tết Nguyên đán nhưng từ lâu, tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) vẫn là nét văn hóa truyền thống được nhiều người dân Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy.