Tấm lòng nhân ái của “những trái tim không tật nguyền”

(Baohatinh.vn) - Hiểu được sự thiệt thòi từ chính bản thân, bằng đôi chân tập tễnh, anh Trần Xuân Diệu (xã Vượng Lộc, Can Lộc) và Lê Thái Bình (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã đến khắp các miền quê để chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn.

Trao niềm tin, truyền nghị lực sống

Trần Xuân Diệu (SN 1988) mang trong mình căn bệnh thoái hóa đốt sống, xương chân bị rạn nứt do di chứng của chất độc da cam từ người bố. Từ nhỏ, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Bố mẹ Diệu phải bán hết tài sản dành tiền chữa bệnh cho con nhưng di chứng vẫn để lại.

Tấm lòng nhân ái của “những trái tim không tật nguyền”

Trần Xuân Diệu (đừng thứ 2 từ phải qua) cùng các nhà hảo tâm tới thăm hỏi, tặng quà cho chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, quê ở Nghệ An không may bị tai nạn phải cắt một chân.

Khác với bao đứa trẻ cùng trang lứa, lên 10 tuổi, Diệu mới chập chững những bước đi đầu tiên. Đến trường với đôi chân khập khiễng, nhưng có vẻ như điều đó đã sớm hình thành trong Diệu nội lực vươn lên.

Năm 2003, Diệu khăn gói rời xa cha mẹ học nghề, tìm việc trong Nam, ngoài Bắc bằng đủ thứ nghề. Sau thời gian học tập, Diệu cũng tốt nghiệp nghề thiết kế và in ấn ở Trường Đại học dân lập Văn Lang và có công việc ổn định. Vốn sinh ra trong cảnh nghèo khó, lại bị tật nguyền, Diệu hiểu rõ sự vất vả, thiệt thòi và đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, cùng cảnh ngộ nên mong ước sẽ làm điều gì đó để giúp đỡ họ.

Tấm lòng nhân ái của “những trái tim không tật nguyền”

Diệu thường xuyên chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh

Những ngày tháng bươn chải đã cho Diệu gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều mảnh đời khó khăn, cơ cực hơn mình. Đó chính là lý do Trần Xuân Diệu tham gia nhiều nhóm thiện nguyện.

Hiện, Diệu là trưởng nhóm thiện nguyện “Hướng Tâm Phúc” với 30 thành viên chính thức và hàng chục thành viên không chính thức. Nhóm hoạt động với mục đích giúp đỡ, chia sẻ, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống.

Tấm lòng nhân ái của “những trái tim không tật nguyền”

Sau những chuyến đi thiện nguyện, Diệu lại có niềm vui bên người bạn gái

Chàng thanh niên có thân hình bé nhỏ với đôi chân tập tễnh ấy đã đi đến nhiều miền quê để làm thiện nguyện. Để có kinh phí giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, Diệu và các tình nguyện viên kết nối xin kinh phí từ các tổ chức, các mạnh thường quân.

Tấm lòng nhân ái của “những trái tim không tật nguyền”

Không những vượt qua tật nguyền, vươn lên trong cuộc sống, Trần Xuân Diệu còn là vận động viên khuyết tật và đạt nhiều thành tích cao trong các giải thể thao

“Cuộc sống ai cũng phải nhìn lên để phấn đấu, nhưng rồi chúng ta cũng phải nhìn xuống để thấy còn đó những người kém may mắn hơn mình. Nhiều khi nhìn chân tay bị dị tật mình cũng mặc cảm, buồn phiền nhưng khi tham gia làm từ thiện, thấy nhiều hoàn cảnh còn éo le, cực khổ hơn gấp bội, lại thấy mình vẫn còn may mắn” - Diệu chia sẻ.

“Hướng thiện từ trái tim”

Cũng giống như Diệu, Lê Thái Bình (SN 1988) bị tàn tật từ nhỏ do di chứng chất độc da cam. Trải qua nhiều sự tự ti, mặc cảm về bản thân nên Bình muốn đến với những người đồng cảnh ngộ để chia sẻ và trao truyền tình yêu cuộc sống. Bình cho biết: "Ở các vùng quê, người khuyết tật chưa được quan tâm nhiều, trong khi họ cần đối xứ bình đẳng và được trân trọng. Chính vì vậy mà tôi xây dựng các dự án thiện nguyện để nói tiếng nói cho người khuyết tật, xóa bỏ rào cản giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống".

Tấm lòng nhân ái của “những trái tim không tật nguyền”

Lê Thái Bình (áo khoác đen) cùng các thành viên Nhóm thiện nguyện "Hướng thiện từ trái tim" tới tặng quà cho anh Nguyễn Văn Nam (huyện Kỳ Anh) bị khuyết tật liệt nửa người lại mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ...

Việc thiện đối với một người lành lặn đã khó, với Lê Thái Bình - một người khuyết tật còn khó khăn hơn rất nhiều. Bình chia sẻ: “Trước đây, tôi là người khá tự ti. Giờ tôi lại người tiên phong đi đầu trong những hoạt động thiện nguyện. Có lẽ do trời Phật thương giúp tôi có đủ dũng khí kết nối và chia sẻ. Đến giờ, tôi không nhớ nổi mình đã tổ chức bao nhiêu chương trình, bao nhiêu người được giúp đỡ, chia sẻ khó khăn”.

Tấm lòng nhân ái của “những trái tim không tật nguyền”

... và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Kỳ Anh

Tham gia hoạt động thiện nguyện từ năm 2013, đến năm 2018, Lê Thái Bình thành lập nhóm thiện nguyện “Hướng thiện từ trái tim”. Hiện nhóm có 25 thành viên chính thức, 50 thành viên không chính thức. Với lòng nhân ái và tâm huyết, nhóm "Hướng thiện từ trái tim" tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ người khuyết tật sống bình đẳng, tự tin hòa nhập với cuộc sống.

Tấm lòng nhân ái của “những trái tim không tật nguyền”

Với nnhững thành tích trong hoạt động từ thiện, thiện nguyện, nhóm "Hướng thiện từ trái tim" được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận "Vì có nhiều đóng góp hoạt động nhân đạo"

Bình cho biết, nhóm “Hướng thiện từ trái tim” đã kết nối, kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để giúp đỡ hàng trăm mảnh đời bất hạnh cả về vật chất và tinh thần, giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực vượt qua nỗi đau.

“Khi con người biết mở lòng cho đi yêu thương ta sẽ nhận lại được rất nhiều hạnh phúc. Cũng chính ở thiện nguyện, tôi đã gặp được những người bạn, họ đồng cảm và chia sẻ với tôi”, Bình trò chuyện.

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast