Tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, sau sự lắng xuống của ổ dịch tại xã Thạch Long (Thạch Hà) thì xã Thạch Sơn, địa phương giáp ranh đã xuất hiện một số người mắc.

Tính đến nay, huyện Thạch Hà đã có 37 ca mắc SXH, trong đó, tại ổ dịch Thạch Long ghi nhận 25 ca, xã Thạch Sơn 5 ca, còn lại rải rác ở một số xã khác.

Ngoài điểm “nóng” Thạch Hà, đến nay, SXH còn có mặt tại 18 xã, phường của 6/12 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh bao gồm: Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn, TX Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh và Kỳ Anh.

Dụng cụ chứa nước không được vệ sinh thường xuyên là môi trường sinh trưởng và phát triển của muỗi - tác nhân lây lan dịch SXH.
Dụng cụ chứa nước không được vệ sinh thường xuyên là môi trường sinh trưởng và phát triển của muỗi - tác nhân lây lan dịch SXH.

Theo điều tra dịch tễ học của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, nguồn bệnh phát sinh từ 2 ca vãng lai ở Đắk Lắk về kết hợp với muỗi Aedes aegypti có sẵn tại địa phương. Bên cạnh đó, các yếu tố như thành viên trụ cột trong các gia đình này chủ yếu làm việc tại Thái Lan, có giao thương với nước bạn Lào, nơi đang bùng phát dịch SXH Dengue; mật độ dân cư đông đúc, môi trường ẩm thấp; người dân chủ yếu dùng nước mưa để sinh hoạt; thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh trưởng và phát triển... là những nguyên nhân gây dịch.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Trung tâm YTDP tỉnh và huyện Thạch Hà đã thành lập đoàn chống dịch khẩn cấp đến ngay tại điểm nghi ngờ để điều tra, giám sát ca bệnh và véc-tơ truyền bệnh... Cùng với việc CSSK cho bệnh nhân, các đơn vị y tế đã vận động nhân dân vệ sinh môi trường (VSMT), khơi thông cống rãnh, thả cá diệt bọ gậy; tiến hành phun hóa chất tại 2 thôn cho khoảng 500 hộ; cấp phát gần 2.500 tờ rơi và bản cam kết với nội dung “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” đối với các gia đình trong vùng.

Nhờ tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống nên trong một thời gian ngắn, dịch bệnh tại khu vực này đã được khống chế; hơn 1 tuần nay không có người mắc mới; những người mắc đã ổn định sức khỏe, không có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, điều đang lo ngại là khi dịch SXH tại vùng này đang lắng xuống thì tại xã Thạch Sơn, đơn vị giáp ranh lại xuất hiện dịch. Bác sỹ Lê Công Sinh - Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Thạch Hà cho biết: “Trung tâm phát hiện ca bệnh đầu tiên từ Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà khi bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây. Sau bệnh nhân này, Trung tâm tiến hành giám sát, phát hiện thêm 4 bệnh nhân tại địa phương. Qua kiểm tra bằng test nhanh 5 mẫu bệnh phẩm thì có 4 mẫu dương tính với NS1. Ngay sau đó, BCĐ của huyện đã họp và cấp bách triển khai các biện pháp phòng, chống tại địa phương này”.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thạch Hà hướng dẫn người dân cách phát hiện và phòng trừ bọ gậy. Ảnh: Tuấn Dũng
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thạch Hà hướng dẫn người dân cách phát hiện và phòng trừ bọ gậy. Ảnh: Tuấn Dũng

Điều đáng lo ngại là mặc dù công tác tuyên truyền đã được tăng cường nhưng các địa phương chưa thực sự chú trọng, đặc biệt là công tác VSMT tại tất cả các khu vực xảy ra dịch đều chưa đảm bảo. Mật độ dân số đông, dùng nước lu, bể là chủ yếu trong khi ý thức về VSMT của người dân chưa tốt. Y tế địa phương cũng chưa thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm trong phòng chống dịch; chưa quan tâm giám sát môi trường để cảnh báo dịch bệnh. Mặt khác, chỉ số hấp dẫn của trạm y tế không cao nên hầu hết người bệnh không đến khám đầu tiên mà trực tiếp lên các tuyến trên, gây nguy cơ khuếch tán nguồn lây.

Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Nguyễn Lương Tâm cho biết: Với tình hình và điều kiện hiện nay, dự báo nguy cơ bùng phát dịch SXH tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh rất lớn. Chính vì vậy, ngành Y tế đang tập trung chỉ đạo trung tâm YTDP các huyện, thị xã, thành phố triển khai khẩn cấp các hoạt động phòng, chống dịch. Đặc biệt, chú trọng duy trì liên tục “đường dây nóng” dịch SXH với bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế xã, phường để giám sát và phát hiện các ca bệnh sớm để có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp nghi ngờ mắc SXH phải cử cán bộ lấy mẫu, điều tra bệnh nhân (theo mẫu quy định) và gửi ngay về Trung tâm YTDP tỉnh để xét nghiệm; triển khai chiến dịch VSMT tại vùng có chỉ số bọ gậy và chỉ số mật độ muỗi cao với phương châm “không có bọ gậy/loăng quăng, không có muỗi, không có bệnh SXH Dengue”; phun hóa chất diệt muỗi tại vùng có mật độ muỗi truyền bệnh SXH cao; tăng cường công tác tuyên truyền tới từng người dân tại vùng có dịch và vùng nguy cơ cao về các biện pháp phòng chống dịch SXH Dengue...

SXH có nguy cơ bùng phát rất cao. Vì vậy, cùng với những giải pháp của ngành Y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng chống bệnh. Biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là VSMT xung quanh nhà sạch sẽ, khơi thông cống rãnh để tránh nước tù đọng, dọn dẹp các chai lọ, lu, bình có chứa nước, phát quang bụi rậm, khi ngủ phải mắc màn.

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.