Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đồng hành, chia sẻ khó khăn, thời gian qua, hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đã linh hoạt triển khai các chính sách ưu đãi nhằm tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp (DN) vượt qua tác động của thiên tai, dịch bệnh.

“Bơm” vốn đẩy DN “ra khơi”

Vietcombank Hà Tĩnh thuộc nhóm ngân hàng có dư nợ doanh nghiệp lớn nhất tỉnh hiện nay. Hằng năm, Vietcombank xây dựng các gói cho vay với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, trong một số ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên hoặc khách hàng mới, Vietcombank cũng áp dụng lãi suất thấp để hỗ trợ.

Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

Nhân viên Vietcombank Hà Tĩnh kiểm tra mục đích sử dụng nguồn vốn vay tại Công ty TNHH Thủy Châu (TP Hà Tĩnh). (Ảnh tư liệu).

Bà Trần Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ thông tin: “Dư nợ DN hiện đạt 4.085 tỷ đồng với 433 khách hàng, chiếm trên 50% tổng dư nợ của đơn vị. DN tiếp cận vốn Vietcombank chủ yếu thuộc các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm khoảng 26,2%, thương mại - dịch vụ khoảng 15,5%, nông - lâm nghiệp và thủy sản khoảng 13,3%, xây dựng 6,9%...”.

Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh đã đồng hành với DN bằng nhiều gói tín dụng hấp dẫn. (Ảnh tư liệu).

Thời gian qua, SHB Hà Tĩnh cũng đồng hành với DN bằng nhiều gói tín dụng hấp dẫn. Các DN được SHB “bơm vốn” chủ yếu đầu tư vào xây dựng, thương mại, nông sản, bất động sản, vận tải, dịch vụ.

Bà Phạm Thị Ngọc Hoa - Giám đốc SHB Hà Tĩnh cho hay: “Chúng tôi đang cho 86 DN vay vốn với tổng dư nợ trên 2.600 tỷ đồng. Ngân hàng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng về mặt thủ tục, hồ sơ tín dụng cũng như có các chính sách ưu đãi lãi suất cho nhiều ngành nghề, phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng. Ngoài ra, SHB còn có các ưu đãi khác về phí dịch vụ tài khoản, phí bảo lãnh, đảm bảo lợi ích cho khách hàng”.

Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

SHB Hà Tĩnh đang cho 86 DN vay vốn với tổng dư nợ trên 2.600 tỷ đồng.

Ngoài Vietcombank, SHB, hầu hết các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh đều đồng loạt triển khai các gói tín dụng dành cho DN.

Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Tổng hợp, nhân sự và kiểm soát nội bộ (Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh) thông tin: “Dư nợ doanh nghiệp ở Hà Tĩnh hiện đạt gần 22,384 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,21% dư nợ toàn địa bàn, tăng 8,69% so với cuối năm 2020. Được ngân hàng “bơm vốn”, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư SXKD, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực nội tại”.

Giảm gánh nặng cho DN trước đại dịch Covid-19

Cách đây 2 năm, Công ty Kim khí Bắc Miền Trung (TP Hà Tĩnh) vay Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II trên 70 tỷ đồng đầu tư kinh doanh. Dịch bệnh Covid-19 nhiều thời điểm “gây khó” và DN này đã được ngân hàng “san sẻ” gánh nặng tài chính.

Ông Vũ Quang Kiên - Giám đốc Công ty Kim khí Bắc Miền Trung cho biết: “Năm 2020, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II linh động hỗ trợ lãi suất để DN vượt qua khó khăn. Hiện nay, tình hình kinh doanh của DN có nhiều khởi sắc nên nguồn thu cũng gia tăng”.

Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

Thời gian qua, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II linh động hỗ trợ lãi suất để DN vượt qua khó khăn.

Ông Dương Minh Hà - Trưởng phòng Khách hàng DN (Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) thông tin: “Chúng tôi đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1 - 1,5%/năm với 100% DN đang quan hệ tại chi nhánh. Đơn vị còn gia hạn, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng áp dụng các gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với doanh số cho vay đến nay đạt trên 123 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng là 431 triệu đồng”.

Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

BIDV Hà Tĩnh là một trong những ngân hàng đi đầu hỗ trợ khách hàng là DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

BIDV Hà Tĩnh cũng là một trong những ngân hàng đi đầu hỗ trợ khách hàng là DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, đã hỗ trợ 300 khách hàng với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 2.700 tỷ đồng.

Chị Lê Thị Tuyết - Phòng Kế hoạch - Tài chính cho biết: “BIDV Hà Tĩnh đã cơ cấu lại cho các khách hàng với dư nợ khoảng 100 tỷ đồng; tổng số dư nợ được hạ lãi suất gần 1.100 tỷ đồng, số tiền lãi được hạ hơn 2 tỷ đồng. BIDV cũng liên tục thực hiện các đợt miễn, giảm lãi suất cho vay với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức lãi suất giảm lên tới 2%/năm. Đồng thời, đơn vị đã cho vay mới các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với doanh số cho vay gần 1.500 tỷ đồng cùng các mức lãi suất ưu đãi”.

Vietcombank Hà Tĩnh cũng có các giải pháp “gỡ khó” cho DN như: cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng với số lãi hơn 14,1 tỷ đồng. Từ đầu năm lại nay, Vietcombank liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức từ 0,3 - 0,6%/năm.

Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp Hà Tĩnh

Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đã linh hoạt triển khai các chính sách ưu đãi nhằm tăng “sức đề kháng” cho DN.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 32 DN với dư nợ được cơ cấu là 248 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 18 DN với dư nợ được miễn, giảm lãi là 22 tỷ đồng.

Ngoài ra, lũy kế từ ngày 23/1/2020?, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi SXKD với doanh số 25.666 tỷ đồng (1.002 khách hàng). Mức lãi suất cho vay mới thấp hơn lãi suất cho vay trước khi có dịch Covid-19 từ 0,5 - 2%/năm.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.