Từ mùng 7 tết trở đi, ông Nguyễn Văn Quang (SN 1965, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) - người có 10 năm kinh nghiệm trồng đào, nhận được nhiều cuộc điện thoại của người quen gọi tới nhà để lấy các cây đào đã chưng trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần về trồng. Do việc chăm sóc mất nhiều thời gian, công sức nên ông Quang chỉ chọn những gốc đào khỏe, dáng đẹp, nhiều năm tuổi, có thể phục hồi nhanh sau khi trồng lại.
“Khi đưa đi bán, cây đào bị cắt nhiều rễ mới có thể đặt trong chậu. Trong quá trình chưng tết, những gốc đào ít được chăm sóc, tưới nước hay cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nên việc chăm sóc lại sẽ gặp nhiều khó khăn. Trường hợp như cây đào này dù đã trên 4 năm tuổi nhưng chỉ cần ít ngày nữa là sẽ hư hỏng do thối rễ bởi đã bị bọc gốc quá kín”, ông Quang chia sẻ.
Ngay khi đưa về vườn, cây đào nhanh chóng được vận chuyển tới chỗ trồng để kịp thời “hồi sinh”. Theo các chủ vườn, những gốc đào đã chưng trong dịp tết cũng giống như “người đang bị ốm” nên việc sớm đưa đi trồng lại sẽ có tỷ lệ phục hồi cao hơn.
Thời điểm này, người trồng đào ở các làng đào có tiếng như: Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà), Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên), Thạch Quý (TP Hà Tĩnh), Cổ Đạm (Nghi Xuân)... cũng đang tranh thủ thời gian để kịp chăm sóc những gốc đào sau thời gian cây được mang đi “chơi tết”. Thời tiết dịp ra tết có mưa lạnh nhưng nhiệt độ không quá thấp, thuận lợi cho quá trình “hồi sinh” của cây đào.
Quá trình chăm sóc đào sau tết rất công phu, đòi hỏi chủ vườn phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức. Trong đó, việc đầu tiên là phải làm đất, bởi sau một “lứa" đào thì đất đã không còn được tơi xốp nên để đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của cây thì bắt buộc phải thay đất cũ.
Các gốc đào khi đưa vào vị trí trồng sẽ được chủ vườn cắt tỉa cành cũ. Việc này không chỉ để toàn bộ chất dinh dưỡng tập trung vào phần rễ, giúp cây hồi phục nhanh, mà còn tạo nên thế cây đào theo ý của chủ vườn.
“Cây đào rất hợp với phân đạm nhưng thời điểm mới trồng lại, nếu dùng phân đạm thì cây sẽ bị thối rễ nên chúng tôi dùng phân lân và phân vi sinh với lượng vừa phải để cây nhanh bén rễ. Khoảng chừng 15 ngày sau là có thể biết cây có sinh trưởng tốt hay không. Nếu đào chậm lớn, không ra mầm chồi non thì phải thay thế cây khác ngay”, ông Nguyễn Ngọc Anh (SN 1956) - người trồng đào ở xã Lưu Vĩnh Sơn, thông tin.
Trước tết, các nhà vườn bận rộn với công việc đưa cây lên chậu, chuyển giao cho khách thì sau tết họ lại vận chuyển đào về, đưa ra khỏi chậu, xuống vườn và chăm sóc đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng. Những ngày này, người trồng đào làm việc không ngừng nghỉ và gần như dành hết thời gian cho việc làm đất, chăm sóc cây đào.
“Quá trình “hồi sinh” đào còn phải căn cứ theo thời tiết để xác định có cần tưới nước hay không. Thời gian đầu cần phải theo dõi sát cây mỗi ngày”, ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1962) - người có nhiều năm kinh nghiệm trồng đào ở xã Lưu Vĩnh Sơn cho hay.
Việc trồng, chăm sóc đào sau tết phải đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật ngay từ những ngày đầu, bởi chỉ cần sai sót đều có thể ảnh hưởng tới sự phát triển, sinh trưởng, nở hoa của cây sau này. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi các chủ vườn phải là những người có kinh nghiệm.
Mặc dù tốn nhiều công sức, nhưng để có mùa đào thành công thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là thời tiết.
Những gốc đào ở các nhà vườn Hà Tĩnh lại đang bắt đầu vào vụ mùa mới, mang theo nhiều hy vọng của người dân về một năm mưa thuận gió hòa và đào sẽ nở đúng dịp tết Nguyên đán năm sau.