Tên gọi khác của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là gì?
A: Tráng Tử Vô Dật
B: Cậu Chiêu Bảy
C: Hồng Sơn Lạp Hộ
D: Ngộ Trai
Giải thích
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) tên thật là Lê Hữu Huân, quê ở thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy vậy, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó với quê ngoại - vùng đất Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thời trẻ, Lê Hữu Trác còn có tên gọi khác là “cậu Chiêu Bảy” bởi ông là con trai thứ 7 của ông Lê Hữu Mưu. Thân sinh Lê Hữu Trác đỗ Ðệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư.
Lê Hữu Trác từ bỏ quan trường, về quê mẹ ở Hà Tĩnh ở ẩn năm nào?
A: Năm 1746
B: Năm 1747
C: Năm 1748
D: Năm 1749
Giải thích
Sinh ra trong một cự tộc, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện. Lê Hữu Trác từng thi đậu Tam trường, rồi theo học binh thư và được sung vào quân đội chúa Trịnh. Ông là người quyết đoán, thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất hiền từ, là người có chí khí thanh cao nên sớm chán nản khi chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội. Sau một thời gian tham gia việc quân chính, năm 1746, khi mới 22 tuổi, nhân việc người anh trai cả mất, Lê Hữu Trác xin từ quan về quê mẹ ở xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, tổng Hữu Bằng (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) chịu tang anh, chăm sóc mẹ già và các cháu.
Ai là người đã truyền dạy nghề thuốc cho Lê Hữu Trác?
A: Một ngự y trong phủ chúa Trịnh
B: Mẹ
C: Thầy thuốc chữa bệnh cho ông
Giải thích
Một cơ duyên đã đưa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đến với nghề thuốc, đó là trong một lần ốm nặng chạy chữa nhiều nơi không khỏi, ông gặp được lương y Trần Độc ở Rú Thành, tỉnh Nghệ An để chữa bệnh. Trong hơn 1 năm chữa bệnh, những lúc rỗi rãi, Lê Hữu Trác thường mượn sách thuốc của thầy Trần Độc để đọc. Và phần lớn những gì viết trong sách ông đều thấu hiểu. Thấy Lê Hữu Trác là người sáng dạ, lại có duyên với nghề y dược, lương y Trần Độc ngỏ ý truyền nghề cho ông. Vốn là người thông minh, học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ có ích cho mình mà còn có thể giúp đời, giúp người, nên ông quyết chí theo học. Lê Hữu Trác tìm đọc rất nhiều sách, ngày đêm miệt mài nghiên cứu y dược, lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (có nghĩa là “ông già lười ở Hải Thượng”). Nhiều người cho rằng, Hải Thượng được ghép từ chữ đầu trong tên trấn (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng) hoặc chữ trong tên thôn Bàu Thượng, nơi Lê Hữu Trác ở lâu nhất. Còn “ông lười” ngụ ý chỉ sự lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc danh lợi, tự do nghiên cứu theo đam mê.
Bộ sách nào của Lê Hữu Trác đúc kết cả sự nghiệp y học của ông?
A: Phú Thuốc Nam
B: Y tông tâm lĩnh
C: Nam dược thần hiệu
D: Hồng nghĩa giác tư y thư
Giải thích
Hải Thượng Lãn Ông không chỉ lo cứu người mà ông còn luôn lo nghĩ tới việc viết sách để truyền bá y học Việt Nam. Sự nghiệp y dược nổi tiếng của Hải Thượng Lãn Ông được tập hợp trong bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, đề cập từ nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, thương khoa, truyền nhiễm, cấp cứu đến y đức, vệ sinh phòng bệnh, phương pháp nuôi dưỡng, thậm chí cả chế biến các món ăn dưỡng bệnh... Lê Hữu Trác viết/biên soạn “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” trong khoảng 30 năm cuối đời (tập đầu được hoàn thành năm Canh Dần thời Cảnh Hưng, tức năm 1770). Có thể nói “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” là tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam. Không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh nhân thứ mấy của Việt Nam được UNESCO vinh danh?
A: 5
B: 6
C: 7
D: 8
Giải thích
Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42, ngày 21/11/2023, đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024). Danh nhân Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người Việt Nam thứ 7 được UNESCO vinh danh. Trước đó, tổ chức này đã thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của 6 danh nhân Việt Nam: 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980); 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990); 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (2015); 650 năm ngày mất nhà giáo Chu Văn An (2019); 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021); 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương (2021). Như vậy, trong 7 danh nhân được UNESCO công nhận, tỉnh Hà Tĩnh có 2 danh nhân là Đại thi hào Nguyễn Du và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.