Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong tâm thức người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù không phải nơi chôn rau, cắt rốn nhưng quê mẹ Hương Sơn (Hà Tĩnh) là nơi Đại danh y Lê Hữu Trác đã gắn bó hơn nửa cuối cuộc đời. Nhân cách, y đức của ông đã lắng vào hồn thiêng, sông núi, đọng mãi trong tâm thức con người núi Hồng - sông La.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong tâm thức người Hà Tĩnh

Tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đặt trên đồi Minh Tự (xã Sơn Trung, Hương Sơn)

Những ngày này, khi Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vừa được UNESCO vinh danh, miền quê Hương Sơn như trở nên tươi thắm hơn trong niềm hân hoan của người dân. Trong những câu chuyện bên bàn nước của hàng xóm láng giềng miền quê Tình Diệm xưa (nay là xã Quang Diệm), mọi người lại nhắc nhớ về những ân tình, y đức của “Ông già lười Hải Thượng” dành cho quê hương mình.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 -1791) sinh ra tại làng thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Vốn có tư chất thông minh, lại sinh ra trong danh gia vọng tộc, nổi tiếng khoa bảng, có bố là Đệ tam giáp Tiến sỹ Lê Hữu Mưu làm đến chức Thị lang Bộ công triều vua Lê Dụ Tông nên từ nhỏ Lê Hữu Trác đã dùi mài kinh sử theo nghiệp khoa cử tiến thân. Tuy nhiên, thời đại binh đao nhiễu loạn, ông chuyển hướng tham gia quân đội. Chỉ một thời gian ngắn, Lê Hữu Trác nhận ra chiến tranh chỉ mang lại đau thương nên năm 1746, khi mới 22 tuổi, nhân việc người anh trai cả mất, Lê Hữu Trác xin từ quan về quê mẹ ở làng Tình Diệm (Hương Sơn) chịu tang anh, chăm sóc mẹ già và các cháu. Tại đây, ông bắt đầu học nghề thuốc và hành nghề chữa bệnh cứu người cho đến lúc mất.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong tâm thức người Hà Tĩnh

Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở quê mẹ Quang Diệm (Hương Sơn).

Với sự thông tuệ của mình cùng thiên nhiên phong phú, tình người Hương Sơn quê mẹ đã giúp Lê Hữu Trác nhanh chóng trở thành một Đại danh y nổi tiếng khắp vùng. Bằng tài năng và y đức của mình, ông không chỉ cứu giúp nhiều người thoát khỏi cái chết mà còn được chúa Trịnh nhiều lần mời ra kinh thành chữa bệnh cho mình và thế tử...

Trong cuộc đời 45 năm nghiên cứu về y thuật, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại cho hậu thế nhiều công trình, tác phẩm giá trị như: Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Thượng kinh ký sự, Nữ công thắng lãm...

Trong đó, ông đã sưu tầm và phát hiện trên 300 vị thuốc nam, tổng hợp 2.854 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho Nhân dân. Riêng cuốn Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập và 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc, được xem là báu vật của nền y học Việt Nam. Đặc biệt, 9 bài học về y đức dành cho người thầy thuốc chữa bệnh cứu người trong Y huấn cách ngôn mà ông để lại mãi là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho thế hệ sau tiếp nối.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong tâm thức người Hà Tĩnh

Những hiện vật nghề y của Đại danh y Lê Hữu Trác tại nhà thờ ông ở xã Quang Diệm.

Ông Hồ Văn Khương (84 tuổi, thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm) bày tỏ: “Dù khi chúng tôi sinh ra thì cụ Lê Hữu Trác đã đi xa hơn 200 năm nhưng trong câu chuyện của ông cha và những người già trong làng vẫn luôn nhắc nhớ về cụ với nhiều niềm yêu kính.

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ nhiều chuyện về y đức của Hải Thượng như chuyện cụ cứu đứa bé nhà nghèo bị bệnh đậu mùa con một người làng chài trên sông Ngàn Phố. Hay chuyện cụ ưu tiên đến nhà cứu người dân nghèo trước thay vì một gia đình quyền quý, khi cả 2 cùng mời đến chữa bệnh một lúc. Bởi ông cho rằng, đều là tính mạng con người bình đẳng như nhau, cho dù người nghèo không có tiền nhưng bệnh nặng hơn, cần kíp hơn phải cứu trước... Tất cả những câu chuyện ấy khiến chúng tôi luôn cảm động, ghi nhớ mãi trong lòng”.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong tâm thức người Hà Tĩnh

Đối với ông Hồ Văn Khương và vợ là bà Lê Thị Lý ở thôn Bảo Thượng (xã Quang Diệm, Hương Sơn) những câu chuyện về Đại danh y Lê Hữu Trác chữa bệnh cho dân nghèo luôn xúc động mỗi khi nhắc đến

Một trong những câu chuyện về y đức của vị Đại danh y khiến người dân cảm động mỗi khi nhắc đến là câu chuyện cứu đứa trẻ con người làng chài. Chuyện kể, lúc đó vào mùa hè, bệnh đậu mùa hoành hành khiến rất nhiều người chết. Gia đình làng chài nọ có đứa con gái 13 tuổi phát bệnh nhưng triệu chứng khó đoán, dẫn đến biến chứng rất khó chữa. Gia đình đến mời cụ Lê Hữu Trác chữa bệnh cho con, cụ nhận lời nhưng sau vài ba lần cho thuốc, bệnh không thuyên giảm. Cơ thể đứa bé nổi mận nhọt bung mủ rất tanh, cụ cũng có ý bó tay. Thế nhưng tin tưởng cụ Hải Thượng, người cha đã bán cả cái chài mưu sinh để có tiền sắm lễ, một mực mời thầy cứu con.

Cảm thương người dân nghèo, cụ Hải Thượng đã từ chối lễ vật và quyết định dồn hết tâm lực để cứu đứa trẻ. Ông không ngần ngại gần gũi bên bệnh nhân, theo dõi diễn biến, chăm sóc điều trị cho đứa bé trong khoang thuyền tanh hôi nóng nực, ròng rã 1 tháng 4 ngày. Cuối cùng đứa bé được cứu sống.

Trong tâm thức người dân Hương Sơn nói riêng và người dân Hà Tĩnh nói chung, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bên cạnh là một vị Đại danh y hết lòng yêu thương người bệnh, không phân biệt sang hèn còn là một nhân cách lớn, cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh phú quý, một người thầy cao cả.

Không chỉ những học trò đương thời được Đại danh y truyền dạy mà đến những thế hệ sau này cũng noi theo tấm gương y đức của Hải Thượng để không ngừng cống hiến đạt nhiều thành tựu. Trong số đó có Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS Lê Năm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đồng thời là một người con của quê hương Hà Tĩnh.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong tâm thức người Hà Tĩnh

Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS Lê Năm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia.

GS.TS Lê Năm từng chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã luôn ngưỡng mộ chữ đức và chữ tài của Đại danh y Lê Hữu Trác. Sau này khi chính thức theo học ngành y, tôi xem ngài là một người thầy cao cả trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người của mình. Để có được kết quả như ngày hôm nay, tôi luôn ghi nhớ lời dạy của thầy về 9 bài học y đức và 8 chữ khắc cốt, ghi tâm “Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần” (nhân ái - sáng suốt - đức độ - tốt bụng - chân thành - khiêm tốn - cần cù) trong học tập, nghiên cứu, hành nghề y thuật chữa bệnh cứu người”.

Trong sự nghiệp của mình, GS.TS Lê Năm đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về y học được ứng dụng rộng rãi trong nước và thế giới, đạt nhiều giải thưởng, phần thưởng cao quý. Trong đó, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều huân huy chương, bằng khen khác. Năm 2013, ông được vinh danh là trí thức tiêu biểu Việt Nam...

Để báo đáp người thầy, ông tổ ngành y học cổ truyền dân tộc, năm 2003, trong vai trò Giám đốc Bệnh viện bỏng quốc gia, Thiếu tướng Lê Năm đã vận động, tham mưu Bộ Y tế và tỉnh Hà Tĩnh tiến hành trùng tu, tôn tạo xây dựng Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hương Sơn. Công trình xây dựng và hoàn thành trong 10 năm.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong tâm thức người Hà Tĩnh

Thiếu tướng Lê Năm (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Lê Hữu Trác, thời điểm công trình mới hoàn thành. Ảnh tư liệu của Minh Lý

Ông Trần Anh Nam - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hương Sơn cho biết: “Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại, thời gian qua, huyện Hương Sơn đã không ngừng nỗ lực bảo vệ, tôn tạo khu di tích đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá về thân thế, sự nghiệp của Đại danh y trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong trường học...

Hằng năm, huyện đều tổ chức Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông với nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa tôn vinh Đại danh y. Thời gian tới, cùng với tổ chức lễ hội nhân dịp lễ giỗ 233 năm của ông, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ tôn vinh nhân dịp Đại danh y Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh, kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông (1724-2024)”.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong tâm thức người Hà Tĩnh

Chị em phụ nữ xã Quang Diệm chăm sóc vườn thuốc Nam trong khu vườn nhà thờ Đại danh y.

Như cánh diều Hải Thượng ngân nga tiếng sáo trên đồi Minh Tự (xã Sơn Trung, Hương Sơn) - nơi yên giấc ngàn thu của Đại danh y, dù đã đi xa nhưng tài năng, nhân cách, y đức của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vẫn còn lưu truyền mãi trong tâm thức người dân Hà Tĩnh nói riêng và dân tộc nói chung.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống