Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng đi dạo trong khuôn viên khách sạn Capella, Singapore, sau khi họp thượng đỉnh vào hôm qua. (Ảnh: AP)
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đạt kết quả tốt: Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc vào đầu giờ chiều 12/6 với một thỏa thuận được ký kết gồm 4 điểm chính: Thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước "vì hòa bình và thịnh vượng của người dân", nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, tái khẳng định cam kết trong Tuyên bố Panmunjom giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 27/4 và thúc đẩy công tác tìm kiếm hài cốt các tù binh chiến tranh.
"Chúng tôi đã có một cuộc gặp lịch sử, bỏ qua quá khứ và hướng tới một khởi đầu mới", lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ cho biết tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ "khởi động rất nhanh".
Lãnh đạo các nước cũng đã lên tiếng ủng hộ các nỗ lực ngoại giao vì hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh giành thắng lợi quan trọng cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội: Thủ tướng Anh Theresa May ngày 12/6 đã tránh được một thất bại lớn trong chiến lược Brexit của bà, sau khi các nghị sỹ bác bỏ một kế hoạch vốn sẽ trao cho Quốc hội quyền phủ quyết đối với thỏa thuận cuối cùng được đàm phán với Brussels.
Hãng AFP đưa tin, với 324 phiếu thuận trên 298 phiếu chống, Hạ viện Anh đã bác nội dung sửa đổi đối với dự luật Brexit sẽ loại bỏ quyền của Chính phủ được quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không cần bất cứ thỏa thuận nào.
Biện pháp này nếu được thông qua sẽ trao cho Quốc hội quyền quyết định về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là sẽ mở lại đàm phán hoặc ở lại EU.
Sau động thái trên, phiên bản sửa đổi riêng của Chính phủ sẽ được thúc đẩy.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Nguồn: trend.az)
Nga cân nhắc các biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt mới của Mỹ: Hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 12/6 cho biết nước này sẽ cân nhắc các biện pháp đáp trả những lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
"Hiển nhiên, những biện pháp đáp trả sẽ được cân nhắc, trong tình hình như vậy chúng tôi không thể không làm. Chúng tôi sẽ đưa ra những biện pháp có đi có lại. Đặc biệt vì danh sách mới nhất gồm những cá nhân và thực thể bị những biện pháp hạn chế của Mỹ nhắm tới bao gồm những công dân của chúng tôi", Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ.
Theo quan chức ngoại giao này, Nga sẽ tiếp tục kiên định với tiến trình chính trị vững chắc của nước này, tận dụng những biện pháp trừng phạt như một "đòn bẩy" để tăng cường phát triển kinh tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tai nạn bè trên sông ở Nga khiến 11 người thiệt mạng: Ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn bè trên sông Volga, gần thành phố Volgograd, một trong những thành phố đăng cai Vòng chung kết World Cup 2018 ở phía Tây Nam nước Nga tối 11/6.
Bộ Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Nga cho biết tai nạn xảy ra khi một chiếc bè gỗ va chạm với một sà lan trên sông Volga. Lực lượng cứu hộ đã được huy động ngay lập tức, nhưng do tai nạn xảy ra vào tối, hoạt động cứu nạn gặp khó khăn và diễn ra suốt đêm.
Hãng tin TASS dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết chiếc bè chỉ có thể chở 12 người trong khi tại thời điểm xảy ra tai nạn, phương tiện này có tới 16 người và không có phép.
Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev. (Nguồn: Reuters)
Macedonia quyết định đổi tên nước để có thể gia nhập EU, NATO: Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 12/6 thông báo Athens và Skopje đã nhất trí đổi tên nước của Macedonia thành "Cộng hòa Bắc Macedonia," nhằm chấm dứt một cuộc tranh cãi kéo dài 27 năm qua giữa hai nước này.
Athens phản đối tên gọi của nước láng giềng phía Bắc do một tỉnh miền Bắc của Hy Lạp cũng có tên là "Macedonia."
Trong khi đó, Macedonia hy vọng rằng việc giải quyết tranh cãi trên sẽ giúp dọn đường cho nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev hoan nghênh thỏa thuận này là một "giải pháp lịch sử."
Hy Lạp phản đối việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là "Macedonia," cho rằng điều này đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi này nằm ở miền Bắc Hy Lạp, nơi có 2 thành phố Thessaloniki và Kavala.