Thế giới ngày qua: Ethiopia có nữ Tổng thống đầu tiên

(Baohatinh.vn) - Ethiopia có nữ Tổng thống đầu tiên; Thổ Nhĩ Kỳ phân tích mẫu nước từ giếng trong lãnh sự quán Saudi Arabia... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 25/10 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Nữ Tổng thống đầu tiên của Ethiopia Sahle-Work Zewde. (Ảnh: BBC)

Ethiopia có nữ Tổng thống đầu tiên: Ngày 25/10, nhà ngoại giao chuyên nghiệp Sahle-Work Zewde đã được các nghị sĩ Quốc hội bầu làm Tổng thống Ethiopia, thay ông Mulatu Teshome mới từ chức.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, bà Zewde đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các nghị sĩ. Với quyết định trên, bà đã trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của quốc gia Đông Phi này.

Bà Zewde, 68 tuổi, từng đảm nhận vị trí Đại sứ Ethiopia tại Pháp, Djibouti và Senegal. Trước khi được bầu làm Tổng thống, nữ chính khách này là quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc tại Liên minh châu Phi. Bà thông thạo hai ngoại ngữ gồm tiếng Anh và tiếng Pháp.

Ảnh nhà báo Jamal Khashoggi. (Ảnh: Reuters)

Thổ Nhĩ Kỳ phân tích mẫu nước từ giếng trong lãnh sự quán Saudi Arabia: Kênh truyền hình CNN Turk ngày 25/10 đưa tin, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang phân tích các mẫu nước được lấy từ một giếng trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul, trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Saudi Arabia ban đầu không cho phép các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận khu vực này.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng này đã khám lãnh sự quán Saudi Arabia hai lần và khám cả nhà riêng của tổng lãnh sự Mohammed al-Otaibi để thu thập bằng chứng về vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi. Ngày 23/10, họ lục soát một chiếc xe thuộc lãnh sự quán Saudi Arabia trong bãi đỗ xe ngầm ở quận Sultangazi của Istanbul.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Jamal Khashoggi, người nhiều lần chỉ trích chính sách của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, đã bị giết và chặt xác trong lãnh sự quán vào ngày 2/10. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm thi thể ở khu rừng của Istanbul.

Cựu thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont. (Ảnh: AFP)

Tòa án Tối cao Tây Ban Nha ra lệnh xét xử các cựu lãnh đạo vùng Catalonia: Tòa án Tối cáo Tây Ban Nha ngày 25/10 đã công bố quyết định đưa 18 cựu lãnh đạo xứ Catalonia ra xét xử về vai trò của những người này trong cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập trái phép cho vùng tự trị này hồi năm ngoái.

Theo tòa án trên, trong số 18 cựu lãnh đạo nói trên có 9 người đang bị giam giữ - trong đó có cựu Phó Thủ hiến Catalonia Oriol Junqueras - bị buộc tội nổi loạn. Nếu bị kết án với tội danh này, các bị cáo có thể phải lĩnh án tới 25 năm tù giam. Trong khi đó, những người còn lại bị xét xử về tội tham ô hoặc bất tuân dân sự.

Tuy nhiên, cựu Thủ hiến Carles Puigdemont - người đóng vai trò chính trong cuộc đấu tranh đòi ly khai cho vùng Catalonia - không trong nằm trong danh sách nêu trên, bởi luật pháp Tây Ban Nha không cho phép xét xử vắng mặt. Ông Carles Puigdemont đang sống lưu vong tại Bỉ.

Đại diện các quốc gia thành viên tại lễ ký CPTPP ở Santiago, Chile ngày 8/3. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

New Zealand chính thức phê chuẩn CPTPP: Chính phủ New Zealand ngày 25/10 thông báo nước này đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Quốc hội New Zealand đã phê chuẩn CPTPP vào cuối ngày 24/10 với ủng hộ của tất cả các đảng, trừ Đảng Xanh. Trước đó, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã phê chuẩn CPTPP hồi đầu năm 2018.

Với tên gọi trước đây là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), CPTPP đã được 11 nước thành viên ký kết hồi tháng 3/2018 sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận nay. Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi sáu nước thành viên thông qua hiệp định này.

Trong khi đó, Quốc hội Australia đã thông qua CPTPP hồi đầu tháng 10/2018 và dự kiến sẽ phê chuẩn vào cuối năm 2018, cùng với Canada và Việt Nam. Các nước thành viên còn lại của CPTPP là Brunei. Chile, Malaysiavà Peru.

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak bị truy tố 6 tội danh mới. (Ảnh: Reuters)

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak bị truy tố 6 tội danh mới: Ngày 25/10, Cơ quan chức năng Malaysia thông báo, cựu Thủ tướng Najib Razak cùng đồng phạm là Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Nhà nước (1MDB) - ông Irwan Serigar Abdullah bị truy tố 6 tội danh mới về bội tín liên quan đến việc biển thủ 6,6 tỷ Ringgit (khoảng 1,58 tỷ USD) ngân sách nhà nước. Vụ việc sẽ được đưa ra xét xử vào đầu năm tới.

Nếu tòa án thu thập được đầy đủ bằng chứng về những cáo buộc trên, ông Razak và ông Abdullah sẽ phải chịu án phạt 20 năm tù, trả lại số tiền biển thủ cùng với hình phạt bằng roi. Tuy nhiên, hình phạt roi sẽ được miễn do cả hai ông đã trên 50 tuổi.

Trước đó, cựu Thủ tướng Najib Razak đã đối mặt 32 cáo buộc về rửa tiền, tham nhũng và bội tín liên quan Quỹ đầu tư Nhà nước. Tuy nhiên, ông luôn phủ nhận mọi cáo buộc.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói