Thế giới ngày qua: LHQ cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21 tại Syria

(Baohatinh.vn) - LHQ cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21 tại Syria; Cựu lãnh đạo đảng Cứu quốc Campuchia Kem Sokha được tại ngoại... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 10/9 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock

LHQ cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21 tại Syria: Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock ngày 10/9 cảnh báo, một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào tỉnh Idlib, miền Tây Bắc Syria, có thể gây ra “thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ”.

Ông Mark Lowcock cảnh báo, dân thường sẽ là đối tượng bị nguy hiểm nhất trong các cuộc tấn công nhằm vào Idlib.

Theo vị quan chức này, hiện Liên hợp quốc đang lên các phương án di tản dân thường tại Idlib đến các khu vực an toàn. Theo thông tin mới nhất do người phát ngôn của Văn phòng Điều phối Nhân đạo (UNOCHA) David Swanson vừa công bố ngày 10/9, tính đến ngày 9/9 đã có hơn 30.000 người trên 3 triệu dân thường Idlib bắt đầu di tản.

Ông Kem Sokha bị bắt năm 2017

Cựu lãnh đạo đảng Cứu quốc Campuchia Kem Sokha được tại ngoại: Theo báo Fresh News, ông Kem Sokha, cựu lãnh đạo đảng cứu quốc (CNRP), một đảng đối lập lớn tại Campuchia, đã được tòa án thành phố Phnom Penh ra phán quyết cho tại ngoại và đã trở về nhà vào lúc 5h sáng ngày 10/9.

Ông Kem Sokha bị tòa sơ thẩm thành phố Phnom Penh truy tố về tội “phản quốc”. Ông bị bắt vào ngày 3/9/2017, và bị tạm giam tại nhà tù Tra Paing Phlong, tỉnh Tbong Khmum.

Ngày 27/3/2018, tòa án xử vắng mặt và tiếp tục tạm giam ông Kem Sokha thêm 6 tháng. Trước đó, ông Kem Sokha đã nhiều lần xin tòa án được tại ngoại nhưng đều bị bác bỏ.

Phái bộ Palestine tại thủ đô Washington. (Ảnh: Getty)

Mỹ quyết định đóng cửa Phái bộ Palestine tại thủ đô Washington: Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat ngày 10/9 cho biết Mỹ đã quyết định đóng cửa Phái bộ Palestine tại thủ đô Washington.

Trước đó, Chính phủ Mỹ cũng đã chấm dứt khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho Palestine.

Quan hệ giữa chính quyền Mỹ và Chính quyền Palestine (PA) đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Palestine đã ngừng mọi cuộc tiếp xúc với chính quyền Mỹ và coi Washington không còn đóng vai trò hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông nữa.

Biểu tượng 1MDB tại một tòa nhà ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 26/5. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Tòa án Singapore ra lệnh trả lại Malaysia hơn 11 triệu USD thất thoát: Một tòa án tại Singapore đã ra lệnh chuyển 15,3 triệu đôla Singapore (11,1 triệu USD) bị biển thủ từ Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB) trở về Malaysia.

Đây chỉ là một phần trong số tiền mà phía Singapore đã thu giữ liên quan đến vụ bê bối 1MDB.

1MDB là quỹ đầu tư do cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak sáng lập năm 2009 nhằm phát triển kinh tế-xã hội thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hiện quỹ này đang là trung tâm vụ bê bối thất thoát 3,7 tỷ USD, được cho là tiền tham nhũng và chuyển ra nước ngoài để rửa tiền, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở Malaysia và các nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Trung Quốc...

Khói bốc lên từ trụ sở của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia (NOC) ở Tripoli, Libya sau vụ tấn công ngày 10/9. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Libya bị tấn công: Một quan chức cảnh sát Libya cho biết 2 nhân viên của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia (NOC) và 2 tay súng đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nhằm vào trụ sở của NOC tại Tripoli ngày 10/9. Hiện các lực lượng an ninh Libya đã tái kiểm soát trụ sở của NOC.

Trước đó, hôm 2/9, chính phủ được Liên hợp quốc ủng hộ ở Libya đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tripoli và khu vực lân cận, trong bối cảnh làn sóng bạo lực diễn ra trong nhiều ngày qua đã khiến hàng chục người thiệt mạng.

Libya rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói