Đoàn xe của các lực lượng Mỹ được triển khai tại làng Yalanli, ngoại ô phía Tây thành phố Manbij, Syria, ngày 5/3/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria trước cuối tháng 4: Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết quân đội Mỹ đang chuẩn bị cho kế hoạch rút các lực lượng Mỹ khỏi Syria trước cuối tháng 4 năm nay, trong đó một phần đáng kể sẽ rời khỏi quốc gia Trung Đông vào giữa tháng 3 tới.
Theo báo trên, một quan chức Mỹ xác nhận kế hoạch rút quân sẽ bao gồm việc rút toàn bộ quân tại căn cứ của Mỹ ở At Tanf, gần biên giới giữa Syria với Iraq và Jordan.
Trước đó, hồi tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối năm ngoái bất ngờ tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria sau hơn 3 năm can thiệp quân sự vào quốc gia này với chiến dịch chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga đọc Thông điệp liên bang vào ngày 20/2 tới: Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định sẽ đọc bản Thông điệp hàng năm trước Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) vào ngày 20/2 tới.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, địa điểm diễn ra sự kiện này hiện vẫn chưa được quyết định.
Thông điệp hàng năm là văn kiện mang tính chất chương trình hành động cho cả năm, và thường gồm ba nội dung chủ yếu là chính trị, kinh tế và hệ tư tưởng.
Công chúa Ubolratana. (Ảnh: AP)
Hoàng gia Thái không ủng hộ Công chúa Ubolratana tham gia chính trường: Đêm 8/2, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn cho rằng việc một đảng chính trị đề cử chị gái của ông - Công chúa Ubolratana, làm Thủ tướng nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới ở Thái Lan là "không thích hợp và vi hiến."
Tuyên bố đăng trên Công báo Hoàng gia Thái Lan có đoạn: "Đưa một thành viên gia đình hoàng gia cấp cao vào hệ thống chính trị là việc đi ngược lại truyền thống hoàng gia và văn hóa đất nước... nó không thích hợp."
Trước đó cùng ngày, Thai Raksa Chart, đảng chính trị với các thành viên là người thân của cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra đã đề cử công chúa Ubolratana là ứng cử viên duy nhất của họ cho vị trí thủ tướng nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 tới.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino.
Mỹ cám ơn Việt Nam tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino trong cuộc họp báo sáng 8/2 (giờ Việt Nam) cung cấp thêm thông tin thêm về cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra vào cuối tháng này giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Việt Nam là đối tác và là người bạn thân thiết của Mỹ, và chúng tôi cám ơn Chính phủ Việt Nam khi đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 này", ông Palladino nói.
“Lịch sử hai nước chúng ta phản ánh các khả năng cho hòa bình và thịnh vượng. Chúng tôi đã vượt qua xung đột và bất đồng để đi đến quan hệ phát triển mạnh như hiện nay”, ông nhấn mạnh.
Khi được hỏi thêm về nơi lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên sẽ gặp nhau ở Việt Nam vào ngày 27 - 28/2, ông Palladino nói điều này “sẽ được công bố” khi mọi chuyện sẵn sàng.
Nhà báo J.Khashoggi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
LHQ cáo buộc giới chức Saudi Arabia đứng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Ngày 7/2, báo cáo viên đặc biệt của LHQ phụ trách điều tra vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ, bà Agnes Callamard, khẳng định các quan chức trong chính quyền Riyadh đã lên kế hoạch và tiến hành vụ việc trên.
Theo tuyên bố của LHQ, phát biểu sau khi kết thúc chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, bà Callamard nêu rõ: “Những chứng cứ thu thập được trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của tôi đã chứng minh rằng ông Khashoggi là nạn nhân của một vụ giết người dã man và được lên kế hoạch từ trước. Vụ việc được lên kế hoạch và tiến hành bởi các quan chức trong chính quyền Saudi Arabia”.