Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được Washington và Moskva ký từ năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Mỹ và NATO trong hai năm qua liên tục chỉ trích các tổ hợp tên lửa Novator 9M729 do Nga mới phát triển vi phạm INF. 9M729 có tầm bay lên đến hơn 5.000 km.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 21/10 khẳng định Washington mới là bên vi phạm INF, cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tận dụng hiệp ước này để đe dọa Moskva và đẩy an ninh thế giới vào vòng nguy hiểm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson ngày 21/10 khẳng định London ủng hộ quyết định của Washington, đồng thời chỉ trích và cáo buộc Moskva phá vỡ Hiệp ước INF.
Lực lượng an ninh Iraq trong chiến dịch truy quét IS tại tỉnh Salaheddine ngày 26/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung tâm chỉ huy IS ở Diyala, Iraq bị xóa sổ hoàn toàn: Ngày 20/10, Tư lệnh cảnh sát tỉnh Diyala của Iraq Faisal al-Abadi cho biết các tay súng ủng hộ chính quyền thuộc Các Đơn vị huy động nhân dân (PMU) đã xóa sổ hoàn toàn trung tâm chỉ huy của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở tỉnh này.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin “Baghdad Today” (Baghdad Ngày nay), ông Abadi nêu rõ IS đã hứng chịu những thất bại lớn trong năm nay và phần lớn các chỉ huy của chúng vốn là các thành viên của cái gọi là Hội đồng Chiến tranh đã bị tiêu diệt trong các chiến dịch quân sự ở Diyala. Ông Abadi khẳng định Hội đồng Chiến tranh của IS đã bị xóa sổ hoàn toàn ở tỉnh này.
Trước đó chưa đầy một tuần, PMU, lực lượng vốn được Iran ủng hộ tại Iraq, cũng đã tiêu diệt tên Abu Zahi, một trong những thành viên đầu sỏ của IS cùng với 4 phần tử khủng bố khác trong một cuộc đột kích tại tỉnh trên.
Jamal Khashoggi tại cuộc họp báo ở Bahrain tháng 12/2014. (Ảnh: AFP)
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không cho phép che đậy vụ nhà báo Khashoggi: "Một tội ác được thực hiện bên trong lãnh sự quán không thể diễn ra mà giới chức cấp cao của quốc gia đó không hay biết. Nếu tội ác này thực sự diễn ra như đã nói, nếu các bằng chứng thực sự dẫn tới kết luận như vậy, tình hình sẽ rất nghiêm trọng và chắc chắn sẽ dẫn tới những hệ quả pháp lý nghiêm trọng", Numan Kurtulmus, phó chủ tịch đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ (AKP), cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN, đề cập tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
Sau hai tuần phủ nhận việc có liên quan tới cái chết của Jamal Khashoggi, Saudi Arabia ngày 20/10 cuối cùng thừa nhận nhà báo này đã thiệt mạng tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sau một cuộc ẩu đả.
Khashoggi, nhà báo thường xuyên chỉ trích chính quyền Saudi Arabia, biến mất từ hôm 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục đăng ký kết hôn với bạn gái người Thổ Nhĩ Kỳ. Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Khashoggi bị một nhóm gồm 15 đặc vụ Saudi Arabia sát hại và phân thi thể thành nhiều phần, phi tang ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đang mở rộng điều tra để tìm kiếm thi thể Khashoggi.
Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: AFP)
Tàu hỏa trật đường ray ở Đài Loan, Trung Quốc khiến hơn 190 người thương vong: Giới chức ngành đường sắt Đài Loan cho biết ít nhất 18 người thiệt mạng và 175 người bị thương sau khi đoàn tàu Puyuma Express 6432 trật đường ray ở huyện Nghi Lan, phía Đông Bắc Đài Loan, Trung Quốc vào chiều 21/10, Reuters đưa tin.
Trong các hình ảnh chụp hiện trường, có thể thấy toàn bộ 8 toa tàu đều trật bánh và nằm theo hình zic zắc phía trên đường ray. Có 4 toa tàu bị nghiêng 90 độ.
Lúc xảy ra tai nạn, đoàn tàu đang trong hành trình từ ga Thụ Lâm ở Đài Bắc tới thành phố Đài Đông.
Theo thông báo từ Cơ quan Quản lý Đường sắt Đài Loan, tính đến 21h35 giờ địa phương (tức 13h35 giờ GMT), tất cả 366 hành khách trên tàu đã được sơ tán hoặc đưa ra khỏi đống đổ nát.
Người Anh tuần hành phản đối Brexit. (Ảnh: Guardian)
700.000 người Anh tuần hành đòi bỏ phiếu lần hai về Brexit: Ngày 20/10, gần 700.000 người đã kéo về trung tâm thủ đô London, Anh, tuần hành kêu gọi trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Cuộc tuần hành khiến nhiều đường phố tại London trở nên tắc nghẽn. Người biểu tình mang theo những khẩu hiệu chỉ trích các chính trị gia khởi xướng Brexit đã nói dối với người dân và yêu cầu Anh ở lại với Liên minh châu Âu (EU).
Hiện đàm phán Brexit giữa Anh và EU vẫn bế tắc. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 17/10 vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã không đưa ra được một đề xuất nào mới nhằm giải quyết vấn đề biên giới Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland sau khi nước Anh rời EU.