Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: AP)
Tổng thống Trump thông báo Việt Nam là địa điểm tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/2 (theo giờ Mỹ) khi đọc thông điệp liên bang đã xác nhận Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 giữa ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ được tổ chức ở Việt Nam trong hai ngày 27-28/2.
Ông Trump và ông Kim Jong-un lần đầu gặp thượng đỉnh tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Sau cuộc gặp lịch sử, ông Kim đã cam kết nỗ lực hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa diễn ra sau đó vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể. Triều Tiên muốn được dỡ bỏ trừng phạt trong khi Mỹ quyết duy trì sức ép tối đa tới khi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Sau nhiều nỗ lực tưởng chừng như thất bại, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 dự kiến diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2/2019 được kỳ vọng có thể khơi thông bế tắc cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, mang lại hòa bình và ổn định cho Bán đảo Triều Tiên.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Ảnh: JOE)
EU tuyên bố không đàm phán lại thỏa thuận Brexit: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 6/2 một lần nữa khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không đàm phán lại thỏa thuận “chia tay” giữa Anh và khối này, hay còn gọi là Brexit.
Phát biểu với báo chí tại Brussels sau cuộc gặp với Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar, ông Donald Tusk tuyên bố, Liên minh châu Âu sẽ không từ bỏ điều khoản “chốt chặn cuối cùng” đang gây tranh cãi, đồng thời chỉ trích “những người khởi xướng Brexit” thậm chí đã không có ý tưởng về cách thức thực hiện nhằm đảm bảo một tiến trình Brexit suôn sẻ.
“Liên minh châu Âu với 27 nước thành viên còn lại sẽ không đưa ra bất kỳ đề xuất mới nào. Hội đồng châu Âu tháng 12 đã quyết định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Tôi hi vọng, chúng tôi có thể nghe được từ Thủ tướng May những đề nghị thực tế nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay”, ông Donald Tusk nói.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. (Ảnh: AFP)
NATO ấn định thời gian tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh: Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 6/2 cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới của liên minh quân sự này sẽ diễn ra vào tháng 12/2019 tại thủ đô London, Anh. Việc lựa chọn London làm địa điểm tổ chức sự kiện có ý nghĩa biểu tượng cao trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu vào cuối tháng 3/2019, được xem như sự khẳng định vai trò quan trọng của Anh đối với an ninh châu lục.
Hội nghị Thượng đỉnh gần đây nhất của NATO diễn ra hồi tháng 7 vừa qua tại Bruxelles, Bỉ đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa một bên là Mỹ với một bên là các nước châu Âu. Tổng thống Donald Trump khi đó đã yêu cầu các nước đồng minh phải chi tiêu hơn cho quốc phòng và giảm phụ thuộc vào Nga.
Ô nhiễm không khí ở Bangkok. (Ảnh: CGTN)
Thái Lan tạm đóng cửa 600 nhà máy để giảm ô nhiễm không khí: Phát biểu sau cuộc họp nội các hàng tuần, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cho biết, chính phủ nước này đang triển khai rất nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí hiện ở mức báo động. Trong đó, khoảng 100.000 nhà máy trên khắp đất nước đã được kiểm tra và có tổng cộng 1.700 nhà máy vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép.
600 nhà máy phải đóng cửa tạm thời cho tới khi khắc phục được lượng khí thải gây ô nhiễm. Đây là một trong những biện pháp của chính phủ Thái Lan nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong thời gian qua.
Ông Prayut cũng kêu gọi người dân ủng hộ các biện pháp của chính phủ để cùng giảm thiểu ô nhiễm không khí. Chính phủ Thái Lan hiện tại đã triển khai các biện pháp ngắn, trung và dài hạn để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Theo ông Prayut, các hạt bụi mịn trong không khí chủ yếu gây ra bởi khí thải giao thông vì vậy một số loại phương tiện không đủ tiêu chuẩn sẽ phải ngường lưu thông.
Tổng liên đoàn lao động Pháp cho biết có khoảng 300.000 người đã tham gia biểu tình trên toàn quốc trong ngày 5/2. (Ảnh: AFP)
Hàng trăm nghìn người biểu tình và đình công trên toàn nước Pháp: Tổng liên đoàn lao động Pháp (CGT) đã tổ chức một cuộc đình công trên phạm vi toàn nước Pháp trong cả ngày 5/2 đến sáng 6/2. Các cuộc biểu tình còn có sự tham gia của nhiều công đoàn, các thành viên đảng Nước Pháp bất khuất (France Insoumise) và phong trào “áo vàng”.
Tính đến 22h ngày 5/2 (theo giờ Pháp), Tổng liên đoàn lao động Pháp cho biết có khoảng 300.000 người đã tham gia biểu tình trên toàn quốc, riêng tại thủ đô Paris có tới 30.000 người. Trong khi Bộ Nội vụ Pháp cho rằng, số người biểu tình tại thủ đô Paris là 18.000, trên toàn quốc là hơn 137.000 người.
Mục tiêu của những người tham gia biểu tình và đình công lần này là kêu gọi chính phủ có các biện pháp đảm bảo bình đẳng xã hội và bình đẳng trong các chính sách thuế. Những người này cũng kêu gọi đảm bảo quyền biểu tình của người dân, trong bối cảnh Quốc hội Pháp sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật chống những kẻ đập phá trong ngày 5/2, một dự luật bị chỉ trích là có một số điều khoản hạn chế quyền biểu tình của người dân.