Thế giới nổi bật trong tuần: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu; 3 quan chức Philippines bị bắn chết trong một tuần... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 2/7 - 7/7/2018) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Mỹ - Trung Quốc có thể còn đối đầu trong thời gian dài. (Ảnh: Tehran Time)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu: Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu sau 0h sáng 6/7 (giờ Mỹ) khi quyết định áp thuế nhập khẩu 25% của Mỹ lên số hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Chỉ vài phút sau, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố họ buộc phải trả đũa. Điều này có nghĩa 34 tỷ USD hàng Mỹ vào Trung Quốc, từ ôtô đến nông phẩm, cũng sẽ phải chịu mức thuế tương tự là 25%.

Trung Quốc cũng cho biết sẽ báo việc này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ giúp các công ty xoa dịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại.

Ông Ferdinand Bote phát biểu trong một sự kiện hồi tháng 6. (Ảnh: Cắt từ video/CNN)

Ba quan chức Philippines bị bắn chết trong một tuần: Ông Alexander Lubigan, phó thị trưởng thành phố Trece Martires ở phía Nam Manila, ngày 7/7 bị các tay súng trên một chiếc xe SUV bắn chết khi đang lưu thông trên đường, Reuters dẫn tin từ cảnh sát Philippines cho biết.

Sự việc xảy ra chưa đầy một tuần sau khi hai thị trưởng của Philippines bị ám sát trong hai ngày, trong đó có một người bị Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cáo buộc có liên quan đến buôn bán ma tuý bất hợp pháp.

Hôm 2/7, ông Antonio Halili, 72 tuổi, thị trưởng Tanauan ở Batangas, phía Nam Manila, bị bắn trúng ngực khi đang dự lễ thượng cờ trước toà thị chính. Một ngày sau, ông Ferdinand Bote, 57 tuổi, thị trưởng General Tinio ở tỉnh Nueva Ecija, bị một tay súng đi xe môtô tấn công.

Điều trị cho người dân Syria nghi bị nhiễm khí độc trong vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta, Syria ngày 25/2. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

OPCW kết luận khí độc Clo được sử dụng tại thị trấn Douma của Syria: Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho biết các phân tích sơ bộ của tổ chức giám sát vũ khí hóa học này cho thấy khí độc clo đã được sử dụng trong vụ tấn công tại thị trấn Douma ở Syria hồi tháng Tư làm hàng chục dân thường thiệt mạng và khiến Mỹ, Anh, Pháp tiến hành không kích.

Tuy nhiên, không tìm thấy chất độc thần kinh trong các mẫu thử tại Douma.

OPCW đã cử một phái đoàn thu thập thông tin tới Douma vào giữa tháng Tư, hơn một tuần sau khi vụ tấn công ngày 7/4 xảy ra ở gần thủ đô Damascus.

Quốc hội Macedonia lần thứ hai thông qua thỏa thuận đổi tên nước. (Ảnh: Sputnik)

Quốc hội Macedonia lần thứ hai thông qua thỏa thuận đổi tên nước: Ngày 5/7, Quốc hội Macedonia một lần nữa đã thông qua thỏa thuận lịch sử giữa nước này và Hy Lạp về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia, bất chấp việc Tổng thống Gjorge Ivanov đã từ chối phê chuẩn thỏa thuận này.

Trước đó, Tổng thống Ivanov đã từ chối phê chuẩn thỏa thuận về đổi tên của nước này, cho rằng đây là một hành động vi hiến. Theo quy định, ông Ivanov có thể một lần nữa từ chối phê chuẩn, song không thể phủ quyết thỏa thuận này.

Chính trị gia Obrador. (Ảnh: Getty)

Ông Obrador đắc cử Tổng thống Mexico: Kết quả kiểm phiếu nhanh hôm 2/7 (theo giờ Việt Nam), cho thấy, ứng cử viên Andrés Manuel López Obrador đã giành được hơn 53% số phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mexico diễn ra hôm 1/7.

Nếu kết quả này được xác thực, đại diện liên minh cánh tả “Cùng nhau, chúng ta làm nên lịch sử” sẽ trở thành Tổng thống Mexico nhiệm kỳ 2018-2024, sau 3 lần tranh cử thất bại trước đó.

Ngay sau khi thông tin về kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, ông Obrador cam kết mang đến "sự thay đổi sâu sắc", đồng thời khẳng định việc xóa bỏ nạn tham nhũng sẽ là sứ mệnh hàng đầu của Chính phủ mới tại Mexico.

Cảnh sát ngày 4/7 đứng gác bên ngoài một hiệu thuốc ở Amesbury. (Ảnh: AFP)

Hai người Anh nhiễm chất độc thần kinh giống cựu điệp viên Nga: Cảnh sát Anh cho biết một nam một nữ có tên Charlie Rowley và Dawn Sturgess bị nhiễm Novichok, chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia hồi tháng ba. Các nhà điều tra đang tìm hiểu họ tiếp xúc chất độc như thế nào.

Hai người Anh ngày 30/6 bất tỉnh tại thị trấn Amesbury, cách thành phố Salisbury, nơi bố con Skripal bị đầu độc, khoảng 12 km. Rowley và Sturgess đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị tại bệnh viện quận Salisbury.

Cựu Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak. (Ảnh: AFP)

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak chính thức bị truy tố: Tại phiên tòa ở Kualalumpur hôm 4/7, cựu Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak bị truy tố với 3 tội danh về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và một tội danh lạm dụng chức vụ để nhận hối lộ.

Ông Najib Razak bị cáo buộc có liên quan đến việc 10,6 triệu USD từ quỹ 1MDB được chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông. Đó chỉ là một phần nhỏ của tổng số tiền hơn 4,5 tỷ USD bị rút khỏi quỹ.

Người đứng đầu Cục Điều tra Tội phạm Thương mại Malaysia Amar Singh cho biết, giá trị của toàn bộ tiền mặt và vật phẩm thu giữ từ 6 căn hộ có liên quan tới cựu Thủ tướng Najib Razak hồi tháng 5 có giá trị cao nhất tới 1,1 tỷ ringgit (tương đương 270 triệu USD).

Bị cáo Yasumasa Shibuya. (Ảnh: Asahi)

Nhật Bản tuyên án chung thân kẻ sát hại bé Nhật Linh: Ngày 6/7, Chánh án Tòa án tỉnh Chiba, Nhật Bản đã ra phán quyết với bị cáo trong vụ sát hại em Lê Thị Nhật Linh. Cụ thể, bị cáo Yasumasa Shibuya bị tuyên án tù chung thân với tội danh giết người.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi tại phiên tòa, Yasumasa Shibuya vẫn khăng khăng không chịu nhận tội và nói rằng sẽ kháng cáo.

Anh Lê Anh Hào, cha của bé Lê Thị Nhật Linh, cùng ngày cho biết gia đình đã trao đổi với cơ quan công tố Nhật Bản về việc kháng cáo, phản đối bản án chung thân tòa vừa tuyên đối với Yasumasa Shibuya, kẻ đã sát hại bé.

Cả đội cùng huấn luyện viên đã được tìm thấy sau 9 ngày mắc kẹt trong hang động. (Ảnh: CNN)

Thái Lan tìm thấy đội bóng thiếu niên mất tích 9 ngày trong hang động: Sau suốt 9 ngày nỗ lực tìm kiếm với sự huy động của hơn 1.000 người, vào 23h đêm 2/7, các thành viên của đội thợ lặn Thái Lan đã tới được vị trí của 12 em nhỏ thuộc một đội bóng và huấn luyện viên của họ bị mắc kẹt trong hang động Tham Luang thuộc tỉnh Chiang Rai, phía Bắc nước này.

Cả 12 em nhỏ và huấn luyện viên của đội bóng đều an toàn.

Hiện tại, công việc tiếp theo phải làm đó là đưa 13 người này ra khỏi hang động, đây cũng là một việc rất khó khăn. Lực lượng cứu hộ đã thảo luận về việc chờ cho tới khi nước rút để đưa các thiếu niên ra khỏi hang. Các lựa chọn khác bao gồm dạy nhóm thiếu niên sử dụng thiết bị lặn để di chuyển trong hang ngập nước.

Công nhân làm việc tại một nhà máy của Tập đoàn Samsung ở Suwon, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hàn Quốc bắt đầu áp dụng chính sách làm việc tối đa 52 giờ mỗi tuần: Bắt đầu từ tháng 7/2018, người lao động Hàn Quốc sẽ làm việc tối đa 52 giờ một tuần theo chính sách mới nhằm đảm bảo cân bằng cuộc sống và công việc.

Chính sách mới trước tiên sẽ được áp dụng với những doanh nghiệp có từ 300 nhân viên trở lên, các cơ quan công lập và các văn phòng thuộc chính phủ.

Theo đó, người lao động Hàn Quốc không làm việc quá 52 giờ/tuần trong đó gồm 40 giờ làm việc chính thức và 12 giờ làm thêm.

Nếu không tuân thủ, người đứng đầu đơn vị phụ trách lao động sẽ phải đối mặt với mức án tối đa 2 năm tù giam hoặc phải nộp khoản phạt lên tới 20 triệu won (17.945 USD).

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói