Từ Brussels (Bỉ) nơi vừa khai mạc Hội nghị hòa bình cho Syria, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini trong cuộc họp báo chung với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Stafan de Mistura tuyên bố, vụ thảm sát tại Syria tiếp tục là lời nhắc nhở rằng, tình hình thực tế sẽ còn bi thảm tại nhiều khu vực ở Syria đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch, tìm ra những kẻ gây tội ác.
Một nạn nhân vụ tấn công bằng khí độc ở Syria. Ảnh: Reuters |
Từ London, với những ngôn từ mạnh mẽ nhất, Thủ tướng Anh Theresa May đã lên án hành động vô cùng tàn ác này: “Chúng tôi kịch liệt lên án việc sử dụng vũ khí hóa học trong bất kỳ trường hợp nào. Anh kêu gọi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học khẩn trương điều tra vụ việc.
Cùng với đó, tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan đảm bảo về một tiến trình chuyển tiếp dân chủ sớm tại Syria. Chúng ta không thể chứng kiến sự đau khổ giáng xuống người dân vô tội Syria thêm nữa”.
Ngay sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành họp khẩn cấp, nhấn mạnh hành động tàn ác này đang đe dọa nghiêm trọng nền an ninh quốc tế.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc điện đàm đã nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib, Syria là hết sức tàn ác và không thể chấp nhận. Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì lệnh ngừng bắn đang được thực hiện ở Syria.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, vụ tấn công ở tỉnh Idlib cho thấy, thế giới cần hành động để buộc Syria phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố tội ác này cần bị lên án và không thể bị bỏ qua trong một thế giới văn minh. Mỹ cam kết sẽ cùng các cùng các đồng minh tiếp tục cuộc chiến tại Syria.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria lo ngại số người chết sẽ còn vượt qua con số 100, bởi trong số hơn 400 người bị nhiễm chất độc đang cấp cứu tại bệnh viện có nhiều người trong tình trạng nguy kịch do bị suy hô hấp nặng và hôn mê sâu. Các nhà hoạt động nhân quyền nghi ngờ rằng, loại vũ khí hóa học trút xuống từ “không trung” ở tỉnh Idlib là khí độc sarin.
Ủy ban Điều tra về Syria của Liên Hợp Quốc cũng cho biết đã bắt đầu điều tra về vụ tấn công. Trong một tuyên bố, ủy ban này nói rằng, vụ tấn công là rất đáng lo ngại và sẽ làm rõ tình hình xung quanh hành động bị cho là “tội ác chiến tranh”này.
Từ New York, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, chủ tịch luân phiên tháng 4 Hội đồng Bảo an thông báo: “Chúng tôi đã có được những báo cáo về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học khủng khiếp ở Syria.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày 5/4 để thảo luận về vụ thảm sát này. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều thông tin hơn về vụ tấn công ở Syria để có thể làm rõ được vụ việc”.
Sau vụ tấn công, quân đội Syria tuyên bố không dính líu đến vụ việc và quy trách nhiệm cho "các nhóm khủng bố và những kẻ hậu thuẫn chúng". Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày khẳng định, máy bay của quân đội nước này đã không thực hiện vụ không kích nào gần thị trấn Khan Sheikhun.
Trong khi đó, Tổ chức đối lập Liên minh Dân tộc Syria đã kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra vụ việc mà họ cáo buộc do chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad gây ra.