Thu hút nguồn lực đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (VSIP Hà Tĩnh) chính thức triển khai thi công. Tại lễ khởi công, VSIP đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 5 nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chia sẻ về dự án và định hướng phát triển của tỉnh.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh) chính thức bước vào giai đoạn thi công. Tại lễ khởi công, VSIP đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 5 nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chia sẻ với Báo Hà Tĩnh về dự án và định hướng phát triển của tỉnh.

P.V: Thưa ông, dự án Khu công nghiệp (KCN) VSIP Hà Tĩnh đang từng bước triển khai đầu tư theo lộ trình đã cam kết. Ông có thể phân tích rõ hơn về những tác động mang tính đột phá của dự án đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà: Chúng ta đặt niềm tin và kỳ vọng lớn vào dự án do Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) - sẽ là nhà đầu tư điển hình về xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN tại Hà Tĩnh. Tính đến nay, VSIP đã đầu tư 18 KCN, đô thị và dịch vụ trên cả nước với tổng diện tích đất được cấp phép là 11.588 ha. Các dự án đang hoạt động thu hút trên 930 khách hàng đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 21 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.

Với tầm vóc, sự thành công của các dự án hiện tại và những giá trị mà VSIP mang lại cho các địa phương, KCN VSIP Hà Tĩnh cũng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KT-XH của tỉnh Hà Tĩnh. KCN VSIP Hà Tĩnh với quy mô 190,41 ha được định hướng đầu tư thành KCN xanh, hiện đại, bền vững với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh, nhà đầu tư và các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút chính thức khởi công dự án.

Sự có mặt của VSIP tại Hà Tĩnh sẽ góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang tìm kiếm một môi trường đầu tư an toàn, thân thiện và hiệu quả. Ngay tại lễ khởi công, VSIP đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác cho 5 nhà đầu tư cam kết gắn bó lâu dài với KCN VSIP Hà Tĩnh.

Với chiến lược phát triển công nghiệp làm nền tảng đột phá, là đầu tàu phát triển KT-XH của tỉnh, dự án VSIP sẽ là điểm nhấn, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển công nghiệp Hà Tĩnh trong giai đoạn tới. KCN VSIP khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đa dạng sản phẩm công nghiệp, loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, gia tăng về giá trị sản xuất hàng hóa; tạo đà phát triển cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, góp phần quan trọng vào chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp của cả nước; làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu; góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt, với mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, dự án sẽ tạo điều kiện phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghệ cao như: sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất các thiết bị tự động, linh kiện công nghệ cao, sản xuất chế biến thực phẩm... Đây là những ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, KCN sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác nguồn nguyên liệu và các nguồn lực tại chỗ; kích thích các ngành nghề xây dựng và thương mại - dịch vụ phát triển.

Các lĩnh vực thu hút đầu tư của dự án VSIP Hà Tĩnh.

Dự án cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu ngân sách, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH huyện Thạch Hà nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Với tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.555 tỷ đồng và các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong dự án, cùng với nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ - thương mại, giao thông, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN)… dự kiến sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách hằng năm.

Đồng thời, dự án sẽ tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho lao động và giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội. Dự kiến khi hoàn thành đi vào hoạt động, KCN VSIP Hà Tĩnh sẽ tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động địa phương và vùng lân cận. Không chỉ giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương nâng cao tay nghề, cải thiện thu nhập, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà người lao động đang làm việc xa quê cũng có cơ hội được về địa phương làm việc.

Tin rằng, sau bước khởi đầu là triển khai dự án KCN, VSIP sẽ sớm hình thành hệ sinh thái công nghiệp xanh - đô thị - dịch vụ, phục vụ nhà đầu tư, phục vụ người lao động và người dân Hà Tĩnh.

P.V: Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư như thế nào trong quá trình dự án KCN VSIP Hà Tĩnh triển khai xây dựng và hoạt động, thưa ông?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà: Dự án KCN VSIP Hà Tĩnh là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo. Đây là dự án được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân tỉnh nhà quan tâm và mong muốn sớm được triển khai đầu tư. Chính vì vậy, ngay sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, Hà Tĩnh đã thực hiện đúng cam kết, vào cuộc quyết liệt, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của DN, đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị triển khai dự án.

Trong 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Thái Bình và Bình Thuận) được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án VSIP vào ngày 29/8/2023, Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 tổ chức khởi công dự án (sau VSIP Lạng Sơn khởi công ngày 14/6). Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những nỗ lực của tỉnh, nhà đầu tư và nhận được sự đồng thuận, đồng lòng cao từ Nhân dân.

Dự án VSIP Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1003/QĐ-TTg ngày 29/8/2023 với diện tích 190,41 ha tại 2 xã Thạch Liên và Việt Tiến (Thạch Hà). Quy mô sử dụng đất dự án là 190,41 ha. Hội đồng Bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư huyện Thạch Hà đã thực hiện chi trả hơn 227 tỷ đồng cho các hộ dân ảnh hưởng dự án.

Để dự án được thực hiện thành công, triển khai đúng tiến độ, hoàn thành mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương cam kết sẽ cùng đồng hành với nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai và quản lý hoạt động dự án. Trước mắt, tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công; hỗ trợ trong việc cung ứng lao động, cấp mỏ vật liệu phục vụ san lấp...; thường xuyên theo dõi, kịp thời hỗ trợ giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Về lâu dài, tỉnh cũng tính toán phương án bố trí nhà ở công nhân cho người lao động, đào tạo nghề, đáp ứng nguồn lao động phục vụ toàn dự án và đồng hành trong việc cấp phép cho các nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án tại KCN. Tỉnh đã có phương án bố trí khoảng 8,5 ha đất tại Khu đô thị thị trấn Thạch Hà để quy hoạch nhà ở và các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN. Ngoài ra, tại Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Bắc Thạch Hà, tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt có 21,41 ha đất công trình dịch vụ, tiện ích công cộng. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện dự án đã bố trí 17,02 ha đất công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, có thể sử dụng một phần làm mục đích xây dựng nhà lưu trú cho công nhân có nhu cầu.

Các lĩnh vực thu hút đầu tư của dự án VSIP Hà Tĩnh.

Hiện nay, nhu cầu việc làm trên địa bàn là rất lớn. Số lượng lao động trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ chiếm trên 97% trong cơ cấu lao động. Ngoài ra, với sự hình thành các khu - cụm công nghiệp, một lượng lớn lao động thuần nông đang có nhu cầu chuyển sang các ngành công nghiệp, lao động là con em địa phương có nhu cầu về quê làm việc. Vì vậy, nguồn cung lao động dự kiến đáp ứng đủ cho nhu cầu các KCN trong tỉnh, trong đó có KCN VSIP.

Tỉnh cũng đề nghị nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đã cam kết là không quá 36 tháng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, an toàn công trình, an toàn lao động… Đặc biệt, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại lễ khởi công, đề nghị VSIP quan tâm nghiên cứu, sử dụng các công nghệ tiên tiến, tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút DN vào KCN; tích cực phối hợp với tỉnh trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống bền vững cho lao động địa phương.

P.V: Bên cạnh sát cánh cùng nhà đầu tư đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm VSIP, xin ông cho biết, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tập trung những giải pháp nào để thu hút đầu tư, thúc đẩy các mục tiêu chiến lược phát triển KT-XH?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà: Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã trở thành điểm đến của các DN đầu tư trong và ngoài nước với các dự án quy mô lớn như: Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy Sản xuất Pin VinES, Nhà máy Sản xuất Pin Lithium… Hà Tĩnh là 1 trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 1.500 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 145.000 tỷ đồng và 72 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 16,2 tỷ USD.

Đại biểu tham quan mô hình Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh.

Các dự án đầu tư vào địa bàn đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng KT-XH và thay đổi diện mạo Hà Tĩnh. Đặc biệt tới đây, sự hiện diện của KCN VSIP sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của Hà Tĩnh trên bản đồ thu hút đầu tư của cả nước.

Cùng với những dự án đã triển khai, hiện nay, một số dự án lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh cũng đang có bước khởi động triển vọng như: KCN Gia Lách mở rộng, KCN phía Tây TP Hà Tĩnh, KCN Bắc Hồng Lĩnh, Khu đô thị dịch vụ VSIP thị trấn Thạch Hà, Khu thương mại - dịch vụ - du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà, Nhà máy Thép không gỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng, Cụm kho khí và Nhà máy Điện khí Vũng Áng…

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và ông Teng Wei Hong - Tổng Giám đốc Công ty TNHH VSIP Hà Tĩnh trao biên bản ghi nhớ hợp tác cho 5 nhà đầu tư.

Với lợi thế sẵn có, xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng để phát triển KT-XH, Hà Tĩnh đang tiếp tục tích cực quảng bá tiềm năng, lợi thế cùng các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đến các DN, tập đoàn, tổ chức trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các DN đầu tư vào địa bàn. Trong đó, tập trung thu hút vào 4 cụm ngành kinh tế mũi nhọn được Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, gồm: công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics và du lịch.

Hà Tĩnh cũng tiếp tục quan tâm xúc tiến đầu tư tại chỗ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho DN; cùng nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; phát triển hệ thống hạ tầng khu - cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông thuận lợi, tạo niềm tin với các nhà đầu tư.

Công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả, thu hút các dự án chất lượng vào địa bàn sẽ góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, tạo nguồn lực để tỉnh thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất cả nước. Mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt trên 9%/năm; đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD; mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14-15%/năm...

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Các khu - cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị hiện đại, thông minh.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

NHÓM P.V (THỰC HIỆN)

Chủ đề Dự án Khu công nghiệp VSIP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói