Là người đầu tiên đặt câu hỏi, Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng cử tri bất bình trước tình trạng kỷ luật, kỷ cương không nghiêm trong thực thi pháp luật. "Thủ tướng có quyết tâm chấn chỉnh thực trạng trên, giải pháp cụ thể thế nào?", Đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) cho rằng, trong tái cơ cấu nền kinh tế thì tái cơ cấu nợ xấu gặp khó khăn, nỗ lực nhiều nhưng "cục máu đông" vẫn tồn tại. Chính phủ có giải pháp nào xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém? Lo lắng trước tương lai của TPP sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Quân cũng đề nghị được biết giải pháp ứng phó của Chính phủ về vấn đề này?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 17/11.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn biện pháp của Chính phủ trong nâng cao năng lực thể chế? Chính sách với vùng Tây Nguyên?
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) lo lắng trước tình trạng tài sản công sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Chính phủ có giải pháp gì? “Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về 5 dự án đầu tư nghìn tỷ, nhưng thua lỗ lớn. Bộ trưởng Công Thương đã giải trình song cử tri vẫn lo lắng. Xin Thủ tướng cho biết quan điểm xử lý của Chính phủ để cử tri, đồng bào yên tâm", ông Thường chất vấn.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng nêu câu hỏi: Sau 7 tháng hoạt động Chính phủ mới và qua 2 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ, Thủ tướng có đánh giá gì về trách nhiệm, chất lượng các thành viên Chính phủ. Đây có phải là những cộng sự tốt của Thủ tướng hay không?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) chất vấn: Làm thế nào để đạt GDP 2017 tăng 6,7% trong điều kiện đảm bảo ổn định vĩ mô, an toàn nợ công? Giải pháp đảm bảo nền kinh tế giữ vững độc lập tự chủ? Giải pháp cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất lớn?
Đánh giá nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu lo lắng của cử tri, với tình hình thực tại thì môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn khó cải thiện nhiều. Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp đột phá nào?
Trả lời về giải pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ quyết liệt xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hoá, biến chất ra khỏi bộ máy.
“Cần những biện pháp cụ thể. Chính phủ đã có chủ trương tăng cường kỷ cương. kỷ luật hành chính”, Thủ tướng nói và khẳng định việc đẩy mạnh rèn luyện đạo đức cán bộ, công khai minh bạch và kiểm soát quyền lực, hạn chế tối đa tình trạng xin cho, nhất là liên quan tới tài chính, đất đai....
“Tiếp tục cải cách tiền lương, đi liền với tinh giản biên chế là hết sức cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thái Học về quyết tâm xử lý cán bộ thoái hóa, Thủ tướng nói: “Tại hội trường này tôi khẳng định Chính phủ kiên quyết loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất khỏi bộ máy. Đây là yêu cầu hết sức cấp bách, vì vậy phải có chủ trương trong toàn hệ thống Đảng, nhà nước Chính phủ”.
Thù tướng cho biết ông vừa ký một văn bản về nâng cao kỷ cương, kỷ luật cán bộ. Trong tình hình hiện nay phải thực hiện nghiêm nghị quyết trung ương 4 - khóa XII của Đảng về chống thoái hóa biến chất. Ông cho rằng quyền lực phải được kiểm soát, thực hiện công khai minh bạch, hạn chế thấp nhất tình trạng xin - cho.
“Chúng tôi nghĩ rằng việc cải cách tiền lương, đi liền với tinh giản biên chế cũng là việc cấp bách, là một giải pháp”. Việc chống thoái hóa cán bộ theo Thủ tướng sẽ phải làm liên tục.
Trình bày những biện pháp nâng cao thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh đây là yêu cầu quan trọng để nâng cao nhà nước pháp quyền. Chính phủ thời gian qua đã dành thời gian cần thiết để xây dựng thể chế và lần đầu tiên đã thanh toán tình trạng nợ nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Để luật đi vào cuộc sống, Thủ tướng cho rằng phải tuyên truyền luật đến nhân dân bằng những biện pháp thích hợp.
Về câu hỏi của đại biểu Lê Quân đối với xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho biết có ba việc phải làm. Thứ nhất là có khung pháp lý tốt hơn, thứ hai không để phát sinh nợ xấu mới, đồng thời phải làm đồng bộ tất cả các khâu để vấn đề nợ xấu được minh bạch.
Về vấn đề nợ xấu, hoạt động của VAMC, Thủ tướng xác nhận đây là một vấn đề lớn đặt ra với 3 việc phải làm. Một là có cơ chế pháp lý cho VAMC. Thứ 2, phải kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ xấu mới, trong đó có vấn đề ngân hàng 0 đồng. Thứ 3, minh bạch vấn đề nợ xấu để quản lý trong nền kinh tế. Chính phủ đang xây dựng toàn diện đề án để xử lý nợ xấu tại Việt Nam để việc điều hành nền kinh tế an toàn hơn. Thủ tướng xác nhận đây là vấn đề mà "Chính phủ đang rất lo lắng".
Xung quanh hiệp định kinh tế châu Á Thái Bình Dương (TPP), Về TPP, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là 1 trong 12 nước tham gia. Mỹ đã tuyên bố dừng trình Quốc hội phê chuẩn TPP nên Việt Nam cũng đang cân nhắc việc này. Dù có tham gia hay không thì Thủ tướng khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục trên đường hội nhập quốc tế, với 12 hiệp định thương mại tự do khác đã ký.
Về tình hình chính trị mới ở Mỹ, Thủ tướng khẳng định vẫn tiếp tục chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ tình thế cũng như độc lập, tự chủ trong mọi mối quan hệ. Thủ tướng khẳng định tin tưởng Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển quan hệ tốt đẹp vì lợi ích chung của 2 nước.
Về việc quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng nêu con số khái quát 5.000 đơn vị đang hoạt động, trong đó số lượng không lớn đã thực hiện việc tự trang trải, hạch toán. Trong khi đó, nút thắt trong cải cách biên chế là ở nhóm 1,2 triệu viên chức vẫn ăn lương nhà nước.
Chủ trương xã hội hóa, tự chủ hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng khẳng định sẽ làm mạnh mẽ như một bước đi lộ trình để thực hiện việc cải cách.
Về vấn đề phát triển ngành du lịch, Thủ tướng khẳng định đây là ngành mũi nhọn được xác định. Hiện ngành đang mang lại 17% GDP. Dù tỷ lệ tăng trưởng khách khá lớn, 25% nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, du lịch vẫn chưa phải là một ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng nêu quan điểm phải phát triển với tiêu chí nhân văn, bền vững.