Từ ngày 4/6 đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 450 ca mắc COVID-19, trong đó 34 ca bệnh trong cộng đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, Hà Tĩnh đã, đang kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không để dịch lây lan, bùng phát rộng.
Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại huyện Cẩm Xuyên.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Mặc dù đến nay, chúng ta đang kiểm soát hiệu quả tình hình, song nguy cơ dịch trên địa bàn vẫn còn ở mức cao. Tại Lào và các tỉnh lân cận, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; một số tỉnh, thành miền Nam có thể giảm mức độ phong tỏa theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên khả năng người về Hà Tĩnh trong thời gian tới là rất lớn. Ngoài ra, nguy cơ cao từ lái xe đường dài sử dụng các dịch vụ trên quốc lộ 1 và đường tránh, đường Hồ Chí Minh.
Vì vậy, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là giải pháp căn cơ để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ tử vong”.
Đến nay, Hà Tĩnh đã được phân bổ 260.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 các loại.
Đến nay, Hà Tĩnh đã được Bộ Y tế phân bổ 8 đợt vắc-xin, với tổng hơn 260.000 liều, tỷ lệ tiêm chủng chỉ mới đạt 14% nhu cầu. Chính vì vậy, việc tiếp tục nỗ lực để tiếp cận các nguồn vắc-xin, tăng tỷ lệ tiêm phòng cho người dân là giải pháp trọng tâm được ngành y tế Hà Tĩnh đặt ra.
Theo đó, tất cả các loại vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng như: AstraZeneca, Pfizer, Modena, Vero Cell, Sputnik V... sẽ được Hà Tĩnh nỗ lực đề xuất với Bộ Y tế để có thể có được số lượng lớn nhất, trong thời gian sớm nhất tiêm phòng cho người dân.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 ở Hà Tĩnh chỉ mới đạt 14% nhu cầu.
Theo số liệu báo cáo công bố ngày 5/8 của Bộ Y tế Indonesia, tại thủ đô Jakarta, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nhóm người chưa tiêm vắc-xin cao hơn nhiều so với nhóm đã tiêm chủng. Số liệu tổng hợp từ hồ sơ bệnh án của gần 68.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại thủ đô Jakarta trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2021 cho thấy, tỷ lệ tử vong ở những người chưa tiêm chủng là 15,5%, trong khi ở người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc-xin AstraZeneca hoặc Sinopharm tỷ lệ này là 4,1%.
Thời gian qua, một bộ phận người dân còn băn khoăn, lo lắng về hiệu quả của vắc-xin Vero Cell của Sinopharm. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, tại Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia và nhiều nước khác trên thế giới đều đã sử dụng vắc-xin của Sinopharm để tiêm phòng cho người dân, qua đó giảm nguy cơ tử vong và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Còn trong nước, các địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… cũng đã tiêm vắc-xin Vero Cell của Sinopharm cho người dân, ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.
Người dân Hà Nội tiêm vắc-xin Vero Cell của Sinopharm phòng COVID-19 (Ảnh: Báo Thanh Niên).
Được biết, vắc-xin Vero Cell của Sinopharm là một trong những loại vắc-xin đã được WHO thẩm định và nằm trong hệ thống COVAX Facility (cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc-xin COVID-19).
Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã từng khẳng định, tất cả các vắc-xin đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế.
Các loại vắc-xin phòng COVID-19 tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ cơ thể. Tất cả các loại vắc-xin này đều giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch, chống lại virus gây bệnh. Vắc-xin là vũ khí tốt nhất ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng. Vì vậy, khi chúng ta đã có vắc-xin và vắc-xin này đã được WHO và Bộ Y tế cấp phép thì người dân cần tiêm càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, dù đã tiêm 2 mũi vắc-xin cũng không đảm bảo 100% không mắc bệnh, do vậy chúng ta vẫn phải tiếp tục tuân thủ 5K.