Tiếp sức thanh niên thị xã Kỳ Anh khởi nghiệp tại quê hương

(Baohatinh.vn) - Đồng hành với thanh niên lập nghiệp, thời gian qua Thị đoàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ ÐVTN phát triển kinh tế. Từ đây, đã có nhiều thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thành công, tạo được sức lan tỏa trong phong trào lập thân lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

Lãnh đạo Thị đoàn Kỳ Anh và Đoàn xã Kỳ Nam thăm mô hình thanh niên khởi nghiệp của đoàn viên Võ Văn Quận

Xưởng mộc của anh Võ Văn Quận ở thôn Quý Huệ, xã Kỳ Nam tuy quy mô chưa lớn nhưng có đủ các loại máy móc, phương tiện để sản xuất ra các mặt hàng gỗ dân dụng như: các loại tủ giường, bàn ghế…

Đi vào hoạt động chưa lâu nhưng các sản phẩm của anh Quận đã tạo được uy tín đối với khách hàng. Ngoài các địa phương lân cận, nhiều khách hàng ở tận Quảng Bình cũng biết đến và sử dụng sản phẩm của anh. Được biết, hiện nay, cơ sở đạt lợi nhuận khoảng gần 20 triệu đồng/tháng.

Anh Quận cho biết, sau khi được học nghề sản xuất mộc dân dụng, anh vào làm việc ở một số địa phương phía Nam, mặc dù có thu nhập khá nhưng không ổn định do quá xa xôi nên tính chuyện về quê lập nghiệp. May mắn là được các cấp Đoàn từ thị xã đến địa phương quan tâm tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH với số tiền vay 50 triệu lãi suất thấp, đồng thời hướng dẫn các thủ tục thành lập cơ sở sản xuất nên mới có được như ngày hôm nay.

"Từng đã tha hương bươn trải mưu sinh, tôi thấy không ở đâu bằng lập nghiệp trên chính quê hương mình. Nếu được sự hỗ trợ, động viên và giúp đỡ của tổ chức Đoàn, của địa phương cộng với sự nỗ lực của bản thân thì tôi tin chắc rằng, mỗi đoàn viên thanh niên hoàn toàn có thể tìm cho mình một hướng lập thân, lập nghiệp phù hợp và hiệu quả" - anh Quận chia sẻ.

Nhờ có sự đồng hành hỗ trợ nhiều mặt của tổ chức Đoàn, anh Quận đã trở thành ông chủ cơ sở sản xuất ngay tại quê hương

Theo Phó Bí thư Đoàn xã Kỳ Nam Đặng Đình Danh, trước đây, do điều kiện sản xuất khó khăn, toàn xã có trên 50% đoàn viên thanh niên phải đi làm ăn xa, không những ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của địa phương mà còn gây không ít khó khăn cho phát triển phong trào Đoàn. Năm 2018, CLB Thanh niên xung kích phát triển kinh tế được thành lập, bước đầu đã nhen nhóm được 12 mô hình khá hiệu quả, giúp thanh niên ở lại làm ăn tại quê hương. Đoàn xã mong muốn tiếp tục được hỗ trợ thêm nguồn vốn ưu đãi để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình thanh niên lập nghiệp.

Cũng từ sự hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi của tổ chức Đoàn thanh niên, gia đình vợ chồng anh Trần Xuân Hải - chị Nguyễn Thị Kim ở tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh (thôn giáo toàn tòng) cũng đã vươn lên thoát nghèo và đã xây dựng được một cơ ngơi mà hiện tại nhiều người mơ ước.

Đến nay, gia đình anh chị đã xây dựng được một mô hình kinh tế gia trại chăn nuôi tổng hợp với đàn dê 40 con, đàn bò 17 con và bắt đầu phát triển đàn hươu lấy lộc. Hiện nay, khi mô hình chăn nuôi đã cho thu nhập, cùng với tập trung đầu tư tái sản xuất, anh chị đã dành một số vốn đầu tư mua sắm máy móc, phương tiện để làm dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp. Dù chỉ mới trong giai đoạn đầu nhưng mô hình kinh tế này đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Với sự đa dạng trong cơ cấu sản xuất, mô hình kinh tế thanh niên của vợ chồng anh Trần Xuân Hải - chị Nguyễn Thị Kim bước đầu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm

Trên đây là các mô hình tiêu biểu trong số trên 300 mô hình thuộc chương trình thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp do Trung ương Đoàn phát động và chỉ đạo thực hiện, đã được Thị đoàn Kỳ Anh tích cực triển khai và vận dụng khá sáng tạo, hiệu quả trên địa bàn.

Theo Phó Bí thư Đoàn xã Kỳ Nam Đặng Đình Danh, trước đây, do điều kiện sản xuất khó khăn, toàn xã có trên 50% đoàn viên thanh niên phải đi làm ăn xa, không những ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của địa phương mà còn gây không ít khó khăn cho phát triển phong trào Đoàn.

Nhờ tập trung thực hiện chương trình đồng hành với thanh niên lập nghiệp, trong đó thành lập được CLB Thanh niên xung kích phát triển kinh tế, đã hình thành được nhiều mô hình thanh niên sản xuất hiệu quả, giúp thanh niên ở lại làm ăn tại quê hương và ngày càng thu hút các thanh niên làm ăn xa trở về lập nghiệp. Mong muốn hiện nay là tiếp tục được hỗ trợ thêm nguồn vốn ưu đãi để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình thanh niên lập nghiệp.

Mô hình HTX may công nghiệp của Mai Xuân Tiến - Bí thư Chi đoàn thôn Đông Yên (Kỳ Lợi) đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động là nữ đoàn viên tại địa phương

Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 là thời đoạn ghi dấu nhiều hoạt động đồng hành cùng đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của các cấp bộ đoàn TX Kỳ Anh. Để giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp hiệu quả, Thị đoàn đã đẩy mạnh cung cấp, trao đổi thông tin, tập huấn, hỗ trợ kiến thức, cung cấp kiến thức pháp lý, những chủ trương mới cũng như sử dụng tốt các nguồn vốn, nguồn lực, các điều kiện để hỗ trợ cho thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế.

“Xác định hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp bộ Đoàn TX Kỳ Anh tiếp tục khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên; tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua các hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Qua đó, giúp đoàn viên thanh niên nâng cao kiến thức, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp để phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương” - Phó Bí thư Thị đoàn Kỳ Anh Trần Thị Thanh Hoa chia sẻ.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói