Chiều 25/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ quý IV/2022. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cùng các sở, ngành, đơn vị tham dự. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì phiên họp
10 tháng năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo ngân hàng CSXH cấp huyện phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình tại địa bàn để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là tình hình dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng đến khách hàng vay vốn. Cùng đó, duy trì hoạt động giao dịch xã đảm bảo an toàn, đúng quy định; thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Đến 31/10/2022, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 5.682,7 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 5.682,7 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 485 tỷ đồng, với 102.670 khách hàng đang thụ hưởng. Doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt 1.643 tỷ đồng.
Bà Bùi Thị Ngọc Hà - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh báo cáo kết quả hoạt động quý IV/2022 của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH.
Thực hiện Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân 261 tỷ đồng, đạt 93,84% kế hoạch.
Triển khai Nghị định 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ các khoản vay tại Ngân hàng CSXH theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tính đến 19/10/2022, số món vay hỗ trợ là 28.547 món, dư nợ hỗ trợ lãi suất là 1.314 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ lãi suất 12,5 tỷ đồng (đạt 54,3% kế hoạch năm). Dự kiến đến 31/12/2022, số tiền được hỗ trợ lãi suất khoảng 16,7 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Đến 31/10/2022, dư nợ chính sách ủy thác qua Hội nông dân Hà Tĩnh đạt cao nhất trong các hội ủy thác với 2.064,1 tỷ đồng. Nguồn vốn phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.
Về chất lượng tín dụng, đến 31/10/2022, nợ quá hạn của Ngân hàng CSXH tỉnh là 2,2 tỷ đồng, chiếm 0,039%/tổng dư nợ (giảm 452 triệu đồng so với đầu năm).
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Phó Giám đốc NHNN tỉnh: NHNN tỉnh ghi nhận nỗ lực và kết quả mà Ngân hàng CSXH tỉnh đạt được thời gian qua. Năm 2022, ngoài 15 chương trình tín dụng chính sách thường niên, Ngân hàng CSXH tỉnh còn triển khai hiệu quả các chương trình cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP .
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích tình hình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; bàn các giải pháp để khắc phục những khó khăn như: tỷ lệ nguồn ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh còn thấp so với bình quân chung toàn quốc; đối tượng cho vay ngày càng thu hẹp ảnh hưởng tới việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chưa đáp ứng nhu cầu; hoạt động ủy thác của một số tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế; một số UBND xã chưa làm tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách...
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng 10 tháng năm 2022, nhân sự của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh có sự thay đổi, song việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn vẫn đạt kết quả tốt. Dư nợ tăng cao và nợ xấu giảm rõ rệt so với đầu năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kết luận cuộc họp.
Thời gian tới, yêu cầu các thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện theo chức trách, nhiệm vụ, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội trên cơ sở đúng quy định.
Tỷ lệ nợ xấu Ngân hàng CSXH tỉnh thời gian qua giảm rõ rệt cho thấy vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát việc triển khai các chính sách tín dụng của các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác rất quyết liệt. Do đó, những tháng cuối năm, yêu cầu các tổ chức hội nhận ủy thác từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; củng cố nâng cao chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ tồn đọng; vận động người vay tham gia gửi tiết kiệm để tích lũy trả nợ gốc đáp ứng yêu cầu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện tập trung quyết liệt thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, sớm hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được Trung ương giao; tiếp tục nâng cao chất lượng các điểm giao dịch cấp xã; triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; triển khai hỗ trợ các khoản vay theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả…