Tỉ lệ đô thị hoá toàn tỉnh đạt hơn 28%
Theo Sở Xây dựng, đến nay, Hà Tĩnh có 16 đô thị gồm: 1 đô thị loại II (TP Hà Tĩnh), 1 đô thị loại III (TX Kỳ Anh), 1 đô thị loại IV (TX Hồng Lĩnh) và 13 đô thị loại V (thị trấn: Xuân An, Tiên Điền, Vũ Quang, Tây Sơn, Phố Châu, Đức Thọ, Hương Khê, Nghèn, Đồng Lộc, Thạch Hà, Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Lộc Hà).
Dự án tổ hợp trung tâm thương mại và nhà ở Vincom tạo điểm nhấn về kiến trúc, không gian đô thị cho TP Hà Tĩnh (ảnh: Đình Nhất).
Nhờ đó, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến thời điểm này đã đạt hơn 28%, tăng hơn 8% so với năm 2015 (đạt 19,79%). Tốc độ đô thị hoá trên địa bàn diễn ra nhanh chóng, nhất là ở các đô thị trung tâm như: TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, thị trấn Xuân An…
Đô thị TX Kỳ Anh đang tăng tốc để lên thành phố vào năm 2025
Đáng chú ý hơn, bộ mặt các đô thị trên địa bàn tỉnh có bước “chuyển mình” rõ rệt, khang trang và hiện đại hơn nhờ có nhiều dự án đồng bộ về hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động như: Khu phức hợp Vincom Hà Tĩnh, Khu đô thị Hàm Nghi - Vinhomes New Center, dự án Thí điểm nhà ở xã hội tại phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh), dự án Khu đô thị Xuân An (Nghi Xuân)…
Đô thị Hồng Lĩnh (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải)
Theo ông Nguyễn Duy Đức - Trưởng phòng Quy hoạch, Kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng), tỉ lệ đô thị hoá những năm qua có bước phát triển nhanh vì Hà Tĩnh đang là thỏi nam châm “hút” nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, thương mại – dịch vụ..., tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Dự án nhà ở xã hội tại phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) mang đến một môi trường sống tiện ích, hiện đại cho các hộ dân.
Những tháng đầu năm 2020, Hà Tĩnh tiếp tục đón nhận các thông tin tích cực về nhiều dự án bất động sản quy mô lớn như: dự án khu đô thị Hàm Nghi quy mô 136,8 ha với mức đầu tư 1 tỷ USD ở phía Tây TP Hà Tĩnh; 3.680 tỷ đồng xây dựng khu đô thị tại phía Nam thành phố và dự án khu đô thị thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ... hứa hẹn tiếp tục thay đổi quy hoạch, diện mạo kiến trúc đô thị tại Hà Tĩnh.
Các khu - cụm công nghiệp được hình thành tại TX Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh… với nhiều doanh nghiệp đến hoạt động cũng góp phần tạo “đòn bẩy” thu hút lao động, chuyển dịch dân cư từ nông thôn lên thành thị, tăng nhanh tỉ lệ người dân tại các đô thị lớn.
Các khu - cụm công nghiệp quy mô tại TX Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh... thu hút lao động, tạo sự chuyển dịch dân cư.
Ngoài ra, việc hình thành các đô thị mới như (thị trấn Lộc Hà, Tiên Điền), điều chỉnh địa giới hành chính tại các thị trấn Thạch Hà, Cẩm Xuyên… tạo động lực phát triển kinh tế trong điều kiện mới cho các địa phương cũng đã ảnh hưởng tích cực đến tỉ lệ đô thị hoá toàn tỉnh.
Nhịp sống đô thị hiện đại đang từng ngày hiện lên tại các đô thị của Hà Tĩnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tỉ lệ đô thị hoá tại Hà Tĩnh
Tuy nhiên, theo đánh giá tổng quan, tỷ lệ dân số thành thị tại Hà Tĩnh vẫn đang ở mức thấp, mật độ phân bố đô thị trên toàn tỉnh mới chỉ đạt 2,5 đô thị/1.000 km2. Điều này xuất phát từ việc nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển, chỉnh trang đô thị còn hạn chế; chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao, công tác quản lý quy hoạch của các chính quyền đô thị chưa kịp thời…
Dự án Khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh là một trong những dự án có kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Tình cho biết: “Xác định đô thị hóa là động lực lớn cho phát triển KT-XH, Sở Xây dựng đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tỉ lệ đô thị hoá.
Sở Xây dựng thực hiện báo cáo, thảo luận thường xuyên công tác lập quy hoạch chi tiết các dự án đô thị trong toàn tỉnh.
Trong đó, trọng tâm là rà soát hệ thống các quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh Hà Tĩnh. Đối với các quy hoạch đã không còn phù hợp (đã điều chỉnh cục bộ trên 15% so với quy mô diện tích lập quy hoạch ban đầu) thì cần phải được điều chỉnh sớm, bài bản để đáp ứng các yêu cầu phát triển”.
Toàn cảnh quy hoạch chi tiết khu đô thị Hàm Nghi tại TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.
Cùng với đó là đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị, nhất là hệ thống giao thông, cây xanh, cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải cho các khu đô thị.
Việc mở rộng hoặc hình thành mới đô thị phải đồng bộ với cơ sở hạ tầng KT-XH để khai thác tiềm năng đất đai; xác định các tuyến đường quy hoạch (đường huyết mạch) trong quy hoạch xây dựng sẽ được đầu tư trong thời gian tới; xây dựng định hướng phát triển loại hình nhà ở phù hợp với phân khúc thị trường cho các khu vực trên toàn tỉnh, đặc biệt đối với các đô thị lớn…