Trám đen là đặc sản của Hương Sơn, có thể chế biến được nhiều món ăn dân dã nên được nhiều người yêu thích, tìm mua
Đã quen với việc muối trám gửi cho người thân ở xa, năm nay, đã đến giữa mùa nhưng bà Nguyễn Thị Quế (Sơn Hà, Hương Sơn) vẫn chưa mua được trám. Bà Quế cho biết: “Mùa trám thường bắt đầu từ tháng 7 và đến tháng 9 là hết. Con cái của tôi ở xa đứa nào cũng thích ăn trám nên năm nào tôi cũng muối gửi đi. Những năm gần đây, trám bán ở chợ đã bắt đầu hiếm và đắt nhưng năm nay thì không có để mua dù tôi đã đi hết mấy chợ trên chợ dưới. Với tình hình này, có khi tôi phải tìm mua trám làm sẵn ở một số cơ sở chuyên chế biến thực phẩm”.
Trám đen ở Hương Sơn chủ yếu là giống trám rừng được trồng lâu năm trong các vườn hộ. Phổ biến ở một số xã như Sơn Ninh, Sơn Thuỷ, Sơn Mai, Sơn Hồng, Sơn Kim… Dù cho thu nhập mỗi năm từ 5 - 10 triệu đồng/cây nhưng loại cây này vẫn chưa được nghiên cứu nhân rộng diện tích. Sở dĩ năm nay không có trám đen bán ở chợ, một phần là do mất mùa, một phần là do hầu hết trám vườn đều đã được người ta đặt mua tận nơi.
Hiện nay, trám được các tiểu thương hoặc các chủ cơ sở chế biến thực phẩm handmade bao mua cả cây nên không có bán lẻ ở chợ như trước đây nữa. Mỗi kg trám đã chế biến có giá bằng 1 yến gạo (120 nghìn đồng) nhưng vẫn không đủ hàng để bán.
Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Sơn Ninh) cho biết: “Nhà tôi có một cây trám, là giống trám rừng nên rất thơm ngon. Những năm trước, mỗi mùa cho trên 1 tạ quả nhưng năm nay không hiểu vì sao chỉ được khoảng dăm bảy yến. Trám bây giờ thành đặc sản nên không phải mang đi chợ bán như trước đây nữa mà trước mùa thu hoạch người ta đã vào đặt mua nguyên cả cây, chúng tôi chỉ việc hái và mang đến nhập cho họ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá trám năm nay tăng khoảng 30%. Nếu như năm ngoái, trám tươi chỉ dao động từ 65 - 75 nghìn đồng/kg thì năm nay phải 100 - 110 nghìn đồng/kg. Do mất mùa nên các chủ cơ sở chế biến chuyên mua trám số lượng lớn cũng gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Trám đen có thể om ăn xổi (như trong ảnh) hoặc chế biến thành nhiều món khác như ngâm mắm, ngâm tương, xôi trám, kho thịt...
Chị Nguyễn Thị Yến (xã Sơn Bình) cho biết: “Tôi là người chuyên làm thực phẩm handmade, mỗi năm muối hàng tạ trám để bán đi các tỉnh khác. Những năm trước tôi chỉ cần dặn chủ vườn là khi thu hoạch người ta sẽ mang trám sang tận nhà rồi mới trả tiền nhưng năm nay do trám hiếm, giá lại cao nên tôi phải đặt tiền trước rồi tính toán sau”.
Hiện nay ở Hương Sơn đã bắt đầu có một số gia đình trồng trám lai trong các trang trại. Tuy nhiên, loại trám này lại không có chất lượng như mong muốn.
Chị Phan Thị Hồng - một người chuyên làm thực phẩm handmade ở thị trấn Phố Châu cho biết: “Trám lai quả rất to và đẹp nhưng chất lượng lại thua xa trám rừng về độ bùi, thơm. Đầu mùa tôi có mua một ít về thử chế biến nhưng phải huỷ đơn hàng vì chất lượng không đảm bảo. Thế nên, việc tìm kiếm nguồn hàng lại trở nên vất vả hơn. Ngoài một số mối quen biết cũ, tôi phải lặn lội đến các vùng quê để hỏi tìm mua trám rừng. Thậm chí, có nơi người ta không chịu bán theo cân mà bán “quạ” cả cây cũng phải chấp nhận mua”.
Những hộp trám muối từ lâu đã trở thành đặc sản được nhiều người lựa chọn làm quà gửi cho bạn bè, người thân phương xa.
Trám đen có thể chế biến được khá nhiều món ăn độc đáo như om xổi chấm mắm ruốc, xôi trám, trám om muối, trám muối mặn, trám kho thịt… Những ai yêu mến hương vị dân dã, nhất là những người dân bản địa đều rất thích các món ăn được chế biến từ trám đen. Tuy nhiên, để mua được trám, người dân hoặc là phải chịu khó lặn lội đến các vườn trám để mua hoặc chịu mua lại của các tiểu thương với giá cao may ra mới có trám tươi để chế biến theo ý mình.