Sáng 18/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Các đại biểu tham dự hội nghị ở điểm cầu Hà Nội. Ảnh TTXVN
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH đã ban hành kế hoạch, tập trung huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng.
Theo đó, NHCSXH đã xây dựng đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện Chương trình năm 2022 với tổng khối lượng phát hành là 20.400 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện cho vay ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 19.000 tỷ đồng.
Đến nay, NHCSXH đã tổ chức phát hành thành công trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh với tổng số tiền là 2.600 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Ngân hàng cũng đã hoàn thành việc xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực hiện các chính sách thuộc chương trình trong năm 2022-2023, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp tích cực với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng yêu cầu và thời gian tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Ngân hàng đã chỉ đạo các giải pháp nhằm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và thực hiện hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý theo quy định tại nghị quyết. Tổng nguồn vốn cho vay trong năm 2022 dự kiến là 19.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực lớn như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng khó khăn, cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy, thiết bị phục vụ học tập…
Các đại biểu tham dự điểm cầu tại Hà Tĩnh.
Đến nay, NHCSXH đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 2.319 tỷ đồng.
NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực hoàn thiện hồ sơ, thực hiện giải ngân các chương trình với doanh số cho vay đạt 71,7 tỷ đồng. Cụ thể, chương trình cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 17 tỷ đồng; chương trình nhà ở xã hội số tiền 4,7 tỷ đồng; chương trình giải quyết việc làm giải ngân 50 tỷ đồng cho gần 1.000 lượt lao động thụ hưởng; chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã tiếp nhận 2 hồ sơ để thực hiện giải ngân. |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh TTXVN
Tại hội nghị, các bộ, ban, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP; thảo luận các giải pháp thực hiện chương trình để đảm bảo chính sách tín dụng an toàn, hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương những kết quả mà NHCSXH, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của nhiều đối tượng, phục vụ yêu cầu phục hồi và phát triển KT-XH.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. Ảnh TTXVN
Để thực hiện tốt các chính sách tín dụng trong Nghị quyết số 11/NQ-CP, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, NHCSXH tập trung phối hợp thực hiện kế hoạch đã đề ra, đảm bảo các chương trình được triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đồng thời, chủ động hướng dẫn và triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất và cho vay phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 ngay sau khi Nghị định về hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế được ban hành.
NHCSXH tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Các địa phương có trách nhiệm gắn việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP với các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KT-XH của từng lĩnh vực, cơ sở để đưa chính sách đi vào thực tiễn.
Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục tập trung tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi để Nhân dân và các đối tượng được thụ hưởng chính sách hiểu rõ mục đích, ý nghĩa nhằm phục vụ tốt cho chương trình phục hồi, phát triển KT-XH.