Trồng lúa trên ruộng cạn, nông dân xã miền núi Hà Tĩnh thắng lớn

(Baohatinh.vn) - Nông dân xã Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) đón vụ hè thu thắng lợi khi lúa trồng trên ruộng cạn đạt năng suất vượt trội (60 tạ/ha), cao hơn năng suất “đỉnh” vụ hè thu toàn tỉnh năm nay là 56 tạ/ha.

Gia đình chị Phạm Thị Ngân (thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên) có hơn 1 mẫu ruộng. Mỗi năm, nhà chị chỉ sản xuất được một vụ lúa xuân, còn vụ lúa hè thu không thể canh tác do thiếu nước. Thay vì trồng lúa, vụ hè thu chị Ngân chỉ làm khoảng 5 sào ngô, đậu, lạc..., số diện tích còn lại đành bỏ hoang.

Trồng lúa trên ruộng cạn, nông dân xã miền núi Hà Tĩnh thắng lớn

Chị Phạm Thị Ngân (xã Lộc Yên) phấn khởi khi năng suất lúa hè thu đạt cao và có lượng lớn rơm rạ để phục vụ chăn nuôi.

Tuy vậy, vụ hè thu năm nay, gia đình chị Phạm Thị Ngân đã mạnh dạn sản xuất 5 sào lúa trên ruộng cạn. Ban đầu, chị chỉ mong trồng lúa để lấy rơm rạ phục vụ chăn nuôi, chứ đất thiếu nước chị không dám nghĩ đến năng suất. Song đến kỳ thu hoạch, kết quả lại vượt xa mong đợi của chị.

Chị Phạm Thị Ngân phấn khởi: “Vụ hè thu năm ngoái, tôi thấy một số hộ dân trong xã thử nghiệm trồng lúa trên đất cạn cho năng suất cao. Năm nay, tôi mua giống của các hộ để trồng 5 sào lúa trên ruộng cạn. Quy trình sản xuất lúa trên ruộng cạn đơn giản hơn so trồng lúa nước. Chúng tôi chỉ cần cày ải, lên luống rồi trỉa hạt thẳng. Suốt quá trình, dù ruộng không có nước song cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất vượt trội. Theo đó, mỗi sào lúa trên ruộng cạn cho năng suất hơn 3 tạ (cao hơn cả năng suất lúa nước vụ xuân vừa rồi). Giống lúa này cho gạo thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Nhà tôi bán lúa giống với giá 12.000 đồng/kg, lúa thường từ 8.000 - 10.000 đồng/kg”.

Với mục tiêu giảm thiểu diện tích đất bỏ hoang trong vụ hè thu do thiếu nước, bà Phạm Thị Thủy (thôn Hưng Bình, xã Lộc Yên) cũng thử nghiệm trồng lúa trên ruộng cạn và cho kết quả bất ngờ. Có thể nói, vụ hè thu này là vụ mùa thắng lợi nhất từ trước đến nay của gia đình bà Thủy.

Bà Phạm Thị Thủy vui mừng chia sẻ: "Vụ hè thu năm nay, nhà tôi chuyển một phần diện tích sang trồng lúa trên ruộng cạn. Đặc biệt, cây lúa trồng trên ruộng cạn không cần chăm sóc cầu kỳ nhưng rất tốt, hạt nhiều và chắc. Hơn nữa, trồng lúa trên ruộng cạn thu về giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây khác. Nếu trồng đậu, nông dân chỉ thu về khoảng 1 triệu đồng/sào, trồng lạc tối đa tầm 1,8 triệu đồng/sào thì 1 sào lúa trồng trên ruộng cạn vụ hè thu bình quân thu về 2,4 triệu đồng. Bởi vậy, vụ hè thu năm sau, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng lúa trên ruộng cạn để nâng cao thu nhập”.

Trồng lúa trên ruộng cạn, nông dân xã miền núi Hà Tĩnh thắng lớn

Một ruộng lúa vừa thu hoạch được trồng xen kẽ với các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, mít...

Được biết, giống lúa trồng trên ruộng cạn trong vụ hè thu tại xã Lộc Yên do một hộ dân trên địa bàn đưa từ miền Nam về. Vụ sản xuất đầu tiên là vụ hè thu năm ngoái, chỉ 3 – 4 hộ trồng với tổng diện tích khoảng 1 ha. Nhận thấy năng suất, hiệu quả cao, vụ hè thu năm nay đã có hàng chục hộ tham gia sản xuất với tổng diện tích trên 6 ha.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho biết: “So với trồng các loại cây hoa màu khác, trồng lúa trên ruộng cạn có giá trị kinh tế vượt trội trong khi điều kiện canh tác khá đơn giản. Qua 2 vụ sản xuất, mô hình lúa trên ruộng cạn cho năng suất cao nhất đạt 60 tạ/ha, trị giá khoảng 48 triệu đồng/ha. Như vậy, năng suất lúa trồng trên ruộng cạn vụ hè thu năm nay tại xã Lộc Yên còn cao hơn năng suất”đỉnh" lúa nước vụ hè thu toàn tỉnh (56 tạ/ha). Ngoài ra, thân lúa trồng trên đất cạn tốt gấp rưỡi so với thân lúa nước, là phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi”.

Trồng lúa trên ruộng cạn, nông dân xã miền núi Hà Tĩnh thắng lớn

Trồng lúa trên ruộng cạn thành công mở ra cơ hội phủ kín 100% diện tích đất canh tác trong vụ hè thu tại huyện miền núi Hương Khê.

Theo thống kê, toàn xã Lộc Yên hiện có trên 300 ha đất sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm, nông dân chỉ sản xuất được một vụ lúa xuân. Vụ hè thu, người dân Lộc Yên chỉ trồng ngô, đậu, lạc... song hiệu quả kinh tế cũng không cao. Do vậy, việc thử nghiệm thành công mô hình trồng lúa trên ruộng cạn là điều kiện thuận lợi để địa phương này có thể phủ kín 100% diện tích đất canh tác trong vụ hè thu năm sau.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Dương Ngọc Hoàng, thời tiết của huyện miền núi Hương Khê khắc nghiệt, nhiều diện tích đất nông nghiệp không đủ điều kiện điều kiện canh tác trong vụ hè thu. Do vậy, thành công ban đầu của mô hình trồng lúa trên ruộng cạn đã mở ra cơ hội canh tác cho bà con nông dân tại những khu vực thiếu nước lâu nay. Từ đó, góp phần quan trọng thay đổi nhận thức trong tập quán canh tác, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Trồng lúa trên ruộng cạn, nông dân xã miền núi Hà Tĩnh thắng lớn

Cán bộ phòng NN&PTNT huyện Hương Khê kiểm tra lúa trồng trên ruộng cạn tại xã Lộc Yên.

“Những mùa vụ tới, huyện Hương Khê sẽ phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo nhằm đánh giá toàn diện về quy trình sản xuất, hiệu quả canh tác, triển vọng phát triển của mô hình trồng lúa trên ruộng cạn tại xã Lộc Yên. Từ đó, để có kế hoạch nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương trong huyện, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp” - Trưởng phòng N&PTNT huyện Hương Khê Dương Ngọc Hoàng cho biết thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.