Mải nói chuyện về Covid-19, hai phi công làm thiệt mạng cả trăm người

Báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn máy bay lao xuống khu dân cư ở Pakistan tháng trước cho thấy các phi công trên chuyến bay đã rất lo lắng vì đại dịch COVID-19 và xử lý sai lầm gây thảm họa.

Mải nói chuyện về Covid-19, hai phi công làm thiệt mạng cả trăm người

Hiện trường vụ tai nạn máy bay số hiệu PK8303 của Hãng hàng không quốc tế Pakistan ngày 22-5 rơi xuống Karachi khi đang chở 99 người - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP, báo cáo sơ bộ công bố ngày 24-6 cho biết hai phi công trên chuyến bay gặp nạn tại Pakistan tháng trước làm 98 người thiệt mạng đã ở trong tâm trạng lo lắng vì đại dịch COVID-19 và cố gắng hạ cánh khi các bánh máy bay vẫn chưa được hạ xuống.

Chiếc máy bay của Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) đã lao xuống khu vực dân cư đông đúc ngày 22-5 sau khi cả hai động cơ đều hỏng lúc đáp xuống sân bay tại Karachi lần thứ 2.

Vụ tai nạn đã làm 97 người trên máy bay và một em nhỏ trên mặt đất thiệt mạng. Hai người trên máy bay sống sót.

Báo cáo điều tra mô tả lại những phút hoảng loạn cuối cùng trên chuyến bay định mệnh, cùng một loạt sai lầm kỳ quái, cộng thêm cả những sai sót trong quá trình liên lạc trao đổi với lực lượng kiểm soát không lưu.

Các nhà điều tra nhận thấy ở lần chuẩn bị hạ cánh thứ nhất, máy bay ở độ cao gấp 2 lần so với mức cho phép để hạ cánh an toàn nên tháp điều khiển không lưu đã khuyên các phi công nên bay vòng vòng thêm một chút để hạ thấp dần độ cao.

Tuy nhiên thay vì làm theo chỉ dẫn, các phi công vẫn cố tình hạ cánh, và lại hạ cánh trong tình trạng thiết bị hạ cánh đã nâng lên sau khi được hạ xuống trước đó trong nỗ lực tiếp đất lần đầu.

Bộ phận kiểm soát không lưu đã trông thấy chiếc Airbus A320 phá hỏng hai động cơ khi máy bay chà xát xuống đường băng nhưng đã không thông báo cho buồng lái.

Bộ trưởng hàng không Pakistan, ông Ghulam Sarwar Khan, trình bày trước Quốc hội việc hai phi công đã nói chuyện với nhau về dịch bệnh COVID-19 trong lúc đang cố gắng hạ cánh và đã tắt luôn chế độ lái tự động của máy bay.

“Cơ trưởng và cơ phó đã không tập trung và trong suốt lúc đó họ nói chuyện với nhau về virus corona. Con virus đã chiếm hết tâm trí họ. Gia đình họ đang bị ảnh hưởng và họ nói chuyện về nó”, ông Khan nói.

“Đáng tiếc là cơ trưởng đã quá tự tin”, Bộ trưởng hàng không Pakistan nói thêm.

Ông Khan cũng chỉ ra một thực tế đáng lo ngại về chất lượng năng lực của các phi công Pakistan. Một cuộc điều tra năm ngoái về bằng cấp của các phi công ở Pakistan cho thấy 262 trong số 860 phi công đang làm việc tại nước này dùng bằng giả hoặc gian lận trong thi cử, trong đó có “một số lượng không xác định” các phi công đang làm việc tại PIA.

Cũng theo báo cáo điều tra, mặc dù chiếc máy bay gặp nạn đã phải dừng bay trong 46 ngày, từ ngày 22-3 đến ngày 6-5, vì dịch bệnh COVID-19, nhưng ông Khan khẳng định nó hoàn toàn “đáp ứng 100% tiêu chuẩn an toàn để bay và không có lỗi kỹ thuật”.

Vụ tai nạn cũng đã phá hủy 29 ngôi nhà gần sân bay và theo ông Khan, chính phủ sẽ bồi thường thiệt hại cho những gia đình này.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Ấn Độ tấn công tên lửa vào Pakistan

Ấn Độ tấn công tên lửa vào Pakistan

Ấn Độ phóng tên lửa vào 9 mục tiêu trên lãnh thổ Pakistan và vùng Pakistan kiểm soát ở Kashmir, trong khi Islamabad tuyên bố bắn rơi 5 máy bay quân sự của đối thủ ở biên giới.
Đức có tân thủ tướng

Đức có tân thủ tướng

Ông Friedrich Merz đã giành đủ sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội để trở thành Thủ tướng Đức.
Ông Trump thay Cố vấn An ninh Quốc gia

Ông Trump thay Cố vấn An ninh Quốc gia

Tổng thống Trump bổ nhiệm Ngoại trưởng Rubio làm Cố vấn An ninh Quốc gia, sau khi đề cử ông Mike Waltz làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
Bên trong bảo tàng xe hơi của Tổng thống Nga

Bên trong bảo tàng xe hơi của Tổng thống Nga

Khám phá hành trình lịch sử của những chiếc xe quyền lực nhất nước Nga tại Bảo tàng Garage Đặc biệt Moskva – nơi lưu giữ từ ô tô hoàng gia cổ điển đến siêu limousine Aurus hiện đại của Tổng thống Putin.
Gaza bên bờ vực thảm họa

Gaza bên bờ vực thảm họa

Giá thực phẩm tăng vọt, nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu cạn kiệt, cùng tình trạng phong tỏa viện trợ đang đẩy Gaza đến bờ vực thảm họa nhân đạo tàn khốc.