Hiện Trung Quốc đang tăng nhập khẩu tôm để phục vụ Tết âm lịch
11 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước ước đạt 3,5 tỷ USD. Top 3 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam lần lượt là: EU, Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc hiện đang trên đà tăng mạnh do sắp bước vào thời điểm lễ tết cuối năm, đặc biệt là dịp Tết âm lịch. Xu hướng này khiến giá tôm nguyên liệu ở một số nước xuất khẩu tôm lân cận Trung Quốc, trong đó có Việt Nam đang tăng.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm tháng 11/2017 ước đạt 340,316 triệu USD; lũy kế 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 11 tháng đầu năm nay, top 3 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, gồm: EU với 790,3 triệu USD; Nhật Bản với kim ngách ước đạt 630,38 triệu USD; Trung Quốc là thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng, với 60,5% và kim ngạch ước đạt 629,26 triệu USD.
Tuy đứng vị trí thứ 3 sau Nhật Bản nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc chỉ thua Nhật Bản khoảng 1,12 triệu USD, cùng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng như hiện nay khả năng Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý 1/2018 là hoàn toàn khả thi, khi mà Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu tôm để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2018.
Mặc dù Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ 3 của xuất khẩu tôm Việt Nam nhưng xét các quốc gia cung cấp tôm vào Trung Quốc thì Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 8 sau Ecuador, Canada, Ấn Độ, Greenland, Thái Lan, Argentina và Indonesia.
Theo các chuyên gia, trong 10 năm qua, nhập khẩu tôm vào Trung Quốc ngày một tăng trong khi xuất khẩu ngày một giảm. Trung Quốc hiện trở thành một trong những nhà nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới.
Do sản lượng sản xuất tôm trong nước đang giảm, khả năng đưa ra các điều khoản thanh toán hấp dẫn và tiêu thụ ngày càng tăng, Trung Quốc đang chiếm ưu thế về nhập khẩu tôm trên thế giới. Chính vì vậy, Trung Quốc đang là đích đến quan trọng của nhiều nước xuất khẩu tôm thế giới, trong đó có Việt Nam.
"Để có đủ nguồn tôm cung cấp cho nhu cầu thị trường, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang thâm nhập sâu vào nội địa các nước láng giềng Đông Nam Á (kể cả Việt Nam), để trực tiếp mua tôm tại các ao nuôi của nông dân với khối lượng lớn. Trung Quốc cũng chính là một đối thủ cạnh tranh lớn của các nước nhập khẩu phương Tây về nhập khẩu tôm nguyên liệu", một chuyên gia nhận định.
Trung Quốc - nhà nhập khẩu tôm số 1 thế giới
Theo số liệu thống kê, từ 2005 đến 2015, tiêu thụ tôm của Trung Quốc đạt trên 1,6 triệu tấn/năm với mức tăng lên 123% sau 10 năm.
Các chuyên gia dự báo, năm nay sản lượng tôm Trung Quốc sẽ giảm sâu do dịch bệnh xuất hiện đầu vụ nuôi. Nguồn giống bố mẹ chất lượng thấp được cho là một phần nguyên nhân gây dịch bệnh trong giai đoạn phát triển ban đầu của tôm nuôi, đặc biệt ở khu vực miền Nam Trung Quốc.
Trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, nhiệt độ quá nóng, ẩm là điều kiện để dịch bệnh phát triển. Bên cạnh đó, người nuôi tôm Trung Quốc còn gặp bất lợi về những diễn biến thất thường của thời tiết.
Năm 2017, Trung Quốc phải đối mặt với 15 cơn bão, khiến ngập lụt nhiều ao tôm ở nhiều khu vực. Lụt do mưa nhiều khiến tôm dễ mắc bệnh. Doanh số bán thức ăn nuôi tôm giảm 10-20% năm nay chính là bằng chứng cho thấy sản lượng tôm nước này năm nay giảm.
Tại "Hội nghị triển vọng toàn cầu cho các lãnh đạo nuôi trồng thuỷ sản năm 2017", Giáo sư James của Đại học Florida đã dự báo, sản lượng tôm chân trắng của Trung Quốc năm nay sẽ giảm từ 1,7 triệu tấn xuống còn 600.000 tấn.
Từ ngày 1/12/2017, Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng giảm thuế nhập khẩu đối với tôm đông lạnh. Theo đó, mức thuế sẽ được giảm từ 5% xuống 2%. Thuế giảm sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.