Toàn cảnh buổi làm việc giữa Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh và Trường ĐH Khoa học ứng dụng IMC Krems.
Sáng nay (29/4), đoàn công tác của Trường ĐH Khoa học ứng dụng IMC Krems (Cộng hòa Áo) do ông Karl C. Ennsfellner - Giám đốc điều hành và ông Heinz Boyer - Chủ tịch hội đồng giám sát có buổi làm việc với Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh để ký kết và triển khai các hoạt động hợp tác đào tạo nhân lực điều dưỡng theo tiêu chuẩn châu Âu. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Sở Ngoại vụ, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Y tế tiếp và làm việc với đoàn. |
Tiến sỹ Trần Xuân Hoan - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh thông tin một số nội dung về đào tạo của trường và bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng với Trường ĐH Khoa học ứng dụng IMC Krems.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đã thông tin với đoàn công tác một cách khái quát về tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường.
Hiện nay, trường có 89 cán bộ, giảng viên, trong đó 2 tiến sỹ, 18 thạc sỹ bác sỹ, 7 thạc sỹ điều dưỡng, 4 thạc sỹ dược cùng các cử nhân xét nghiệm, dược sỹ đại học, cử nhân điều dưỡng….
Đại diện sở, ngành và ban giám hiệu nhà trường tham dự buổi làm việc.
Sinh viên trường được thực hành tại 1 bệnh viện với quy mô 800 giường bệnh, 7 bệnh viện quy mô 200 giường bệnh và 12 bệnh viện quy mô 150 giường bệnh. Trường Cao đẳng Y tế hiện đào tạo 5 mã ngành hệ cao đẳng, 6 mã ngành hệ trung cấp và 4 mã ngành hệ sơ cấp.
Ông Karl C. Ennsfellner - Giám đốc điều hành Trường ĐH Khoa học ứng dụng IMC Krems thông tin một số nội dung đào tạo kỳ 2 tại Áo sau khi sinh viên hoàn thành kỳ 1 tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, mô hình giáo dục và đào tạo trợ lý điều dưỡng từ Việt Nam sẽ được triển khai với sự hợp tác của Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh và Trường ĐH Khoa học ứng dụng IMC Krems theo biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 trường vào năm 2019.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Đặng Văn Dũng: Trở ngại lớn nhất trong hợp tác đào tạo giữa 2 trường là trình độ tiếng Đức B2. Đây là yêu cầu rất cao và liên quan về nguồn nhân lực, vấn đề tài chính, đòi hỏi cần phải thảo luận kỹ để đưa ra phương án phù hợp.
Theo dự kiến, số lượng tuyển sinh đào tạo trợ lý điều dưỡng hằng năm khoảng từ 35 - 70 sinh viên. Hình thức đào tạo, trong kỳ 1 sẽ được diễn ra tại Việt Nam và trong kỳ 2 sẽ diễn ra tại Áo với nội dung đào tạo là tiếng Đức B2 và chuyên môn cơ bản ngành điều dưỡng theo chương trình thống nhất giữa 2 trường.
Lãnh đạo 2 trường ký kết hợp tác đào tạo nhân lực điều dưỡng.
Trường ĐH Khoa học ứng dụng IMC Krems có quy mô trên 3.000 sinh viên, hợp tác với 160 trường đại học trên toàn thế giới, 11 chương trình xuyên quốc gia. Đây là một trong những trường đại học khoa học ứng dụng quốc tế lớn nhất ở Áo. Trường ĐH Khoa học ứng dụng IMC Krems đã cùng với tỉnh Hạ Áo (Cộng hòa Áo) phát triển mô hình giáo dục và đào tạo trợ lý điều dưỡng từ Việt Nam. Từ năm 2006, Trường ĐH Khoa học ứng dụng IMC Krems đã cung cấp các chương trình cử nhân được công nhận hoàn toàn tại Việt Nam theo giáo trình như được giảng dạy tại Áo. Sau khi hoàn thành kỳ 1, bước sang kỳ học thứ 2, sinh viên sẽ học tập ở Áo và thi kết thúc chương trình với kỳ thi chính thức của tỉnh Hạ Áo để cho phép sinh viên tốt nghiệp được làm trợ lý điều dưỡng tại tỉnh Hạ Áo. |
Lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh dẫn đoàn công tác đi tham quan các phòng thực hành...
Tại buổi làm việc, 2 trường đã thảo luận, thống nhất một số nội dung về đội ngũ giáo viên đào tạo; hình thức đánh giá kết quả đào tạo; thời gian đào tạo tại Áo; nguồn kinh phí, sự hỗ trợ của Trường ĐH Khoa học ứng dụng IMC Krems khi sinh viên học tập cả tại Việt Nam và tại Áo; những cam kết về việc làm sau khi sinh viên hoàn thành việc học tập…
Ngay sau đó, lãnh đạo 2 trường đã tiến hành ký kết biên bản hợp tác đào tạo nhân lực điều dưỡng.
...và phòng học ngoại ngữ.