Truyền lửa tình yêu dân ca ví, giặm cho học sinh Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với việc linh hoạt đưa dân ca vào các hoạt động ngoại khóa, giảng dạy cho học sinh và duy trì hoạt động của hơn 300 CLB dân ca ví, giặm tại các nhà trường, tình yêu với di sản của quê hương đang được ngành giáo dục Hà Tĩnh lan tỏa trong thế hệ trẻ.

Truyền lửa tình yêu dân ca ví, giặm cho học sinh Hà Tĩnh

Hồng Nhung tại Liên hoan Dân ca ví, giặm năm 2023.

Trở về từ Liên hoan Dân ca ví, giặm toàn tỉnh năm 2023 với giải A tiết mục lẩy Kiều, hát xẩm Kiều “Ấm tình nông thôn mới”, em Trịnh Thị Hồng Nhung - lớp 9B Trường THCS Cương Gián (Nghi Xuân) rất vui khi mình đã được ghi nhận trong một sân chơi lớn.

Hồng Nhung chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia một sân khấu lớn, em rất vui khi được giao lưu học hỏi với nhiều nghệ nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Từ những lời ca tiếng hát của các anh chị, các nghệ nhân, em biết được nhiều điều và càng cảm thấy thêm yêu, thêm gắn bó, thêm tự hào với làn điệu quê hương”.

Sinh ra trên mảnh đất của những làn điệu dân ca nên từ thuở bé, những giai điệu này đã thấm sâu vào tâm hồn, trở thành niềm đam mê của Hồng Nhung. Lên lớp 6, với sự dìu dắt của các thầy cô và việc tham gia vào CLB dân ca ví, giặm của trường là cơ hội để em phát huy sở trường, rèn luyện chất giọng của mình.

Truyền lửa tình yêu dân ca ví, giặm cho học sinh Hà Tĩnh

Nguyễn Ngọc Gia Hân (áo xanh) - lớp 2B Trường Tiểu học Ngọc Sơn huyện Thạch Hà là thí sinh nhỏ tuổi nhất Liên hoan Dân ca ví, giặm.

Cũng từ Liên hoan Dân ca ví, giặm toàn tỉnh năm 2023, Nguyễn Ngọc Gia Hân - lớp 2B Trường Tiểu học Ngọc Sơn (Thạch Hà) đã có thêm trải nghiệm mới. Em cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia tại liên hoan lần này. Được biết, giọng hát của Gia Hân được phát hiện từ đầu năm học 2021-2022 trong lần tìm kiếm các thành viên tham gia CLB dân ca ví, giặm của trường. Từ chất giọng bẩm sinh, niềm yêu thích làn điệu dân ca và sự hướng dẫn của giáo viên âm nhạc, Gia Hân ngày càng tiến bộ hơn qua từng tiết mục biểu diễn.

Cô Trần Thị Lệ Mỹ - Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Ngọc Sơn cho biết: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã thành lập và duy trì hoạt động CLB dân ca ví, giặm để thu hút học sinh có năng khiếu ca hát, có niềm đam mê cùng sinh hoạt. Việc dạy hát dân ca ví, giặm còn được nhà trường lồng ghép qua hoạt động ngoại khóa, các chương trình văn nghệ, cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ… Ngoài ra, một số khái niệm, công thức trong các môn học, chương trình hành động của liên đội trong năm học… cũng được trường cụ thể hóa bằng những câu hò, điệu ví vừa để các em dễ thuộc, dễ nhớ, vừa để lan tỏa tình yêu dân ca trong học sinh”.

Truyền lửa tình yêu dân ca ví, giặm cho học sinh Hà Tĩnh

Việc thành lập và duy trì hoạt động các CLB dân ca ví, giặm trong trường học ở Hương Sơn góp phần giữ gìn, bảo tồn những di sản tinh thần của quê hương.

Tại huyện Hương Sơn, từ năm 2015, việc cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT đã được thực hiện bằng các hoạt động CLB dân ca ví, giặm trong các trường tiểu học, THCS, lồng ghép dạy hát dân ca ví, giặm qua các hoạt động ngoại khóa. Đến nay, toàn huyện đã có 37 CLB với hàng trăm học sinh, cán bộ, giáo viên tham gia sinh hoạt.

“Việc duy trì có hiệu quả các hoạt động dạy, học dân ca trong các nhà trường không chỉ giúp học sinh phát huy năng khiếu ca hát, rèn luyện kỹ năng mà còn lan tỏa tình yêu dân ca ví, giặm, giúp các em nhận ra được những giá trị tinh thần to lớn trong những làn điệu dân ca. Từ đó, các em biết trân trọng, yêu quý và có ý thức trong việc giữ gìn, bảo tồn những di sản tinh thần của quê hương”, thầy Lương Sỹ Hiệp - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Hương Sơn thông tin.

Truyền lửa tình yêu dân ca ví, giặm cho học sinh Hà Tĩnh

Một tiết mục tại Liên hoan Dân ca ví, giặm năm 2023.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 CLB dân ca ví, giặm thu hút hàng nghìn giáo viên, học sinh tham gia. Từ việc đa dạng hóa nội dung sinh hoạt, các câu lạc bộ ngày càng phát huy vai trò truyền lửa tình yêu dân ca ví, giặm trong học sinh. Thông qua các sân chơi, hoạt động biểu diễn, các trường học đã phát hiện, bồi dưỡng thêm nhiều “hạt giống” ưu tú cho phong trào dân ca ví, giặm của tỉnh nhà.

Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở VH-TT&DL cung cấp tài liệu, tư liệu về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh để các CLB trong trường học có thêm tư liệu truyền dạy cho học sinh. Ngành cũng sẽ quan tâm tổ chức các cuộc chuyên đề, tập huấn cho đội ngũ giáo viên làm tổng phụ trách đội, giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc về dân ca Nghệ Tĩnh; tổ chức liên hoan hát dân ca ví, giặm trong ngành, tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ, giáo viên, học sinh, góp phần tích cực bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị di sản của quê hương

Thầy Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast