Tự chủ tiền lương: Nhiều vướng mắc, bệnh viện gặp khó!

(Baohatinh.vn) - Thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế về tự chủ tiền lương trong các bệnh viện, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh, thành thuộc nhóm đợt 3 triển khai. Theo lộ trình này, cuối tháng 12/2016, tất cả các bệnh viện trong toàn tỉnh đã tăng giá viện phí đối với bệnh nhân có BHYT. Tuy nhiên, do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên việc tự chủ hoàn toàn tiền lương chưa thể triển khai ở tất cả đơn vị y tế.

Theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Liên bộ Y tế - Tài chính, giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT của gần 2.000 dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 50% so với trước đây. Lộ trình triển khai được chia thành 4 đợt tùy theo tỷ lệ bao phủ BHYT của các địa phương. Áp dụng mức viện phí mới đồng nghĩa với việc các đơn vị KCB công lập trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện tự chủ tài chính.

tu chu tien luong nhieu vuong mac benh vien gap kho

Ngành y tế đang rà soát lại năng lực của các bệnh viện, mức thu năm 2016, trên cơ sở đó xác định lộ trình tự chủ một cách phù hợp.

Tuy vậy, theo khảo sát của chúng tôi, việc thực hiện tự chủ hiện nay còn nhiều vướng mắc. Khó nhất là các cơ sở KCB có tính đặc thù như Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần và các cơ sở chưa phát triển được nhiều dịch vụ y tế. Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Trương Hồng Lĩnh cho biết: “Bệnh viện đang phải đối mặt với 3 khó khăn lớn đó là số bệnh nhân khám bệnh và điều trị không lớn; trang thiết bị thiếu; cơ sở vật chất xuống cấp. Ngay cả về nguồn nhân lực, bệnh viện đang thiếu các kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao trong khi lại thừa đến 6 nhân viên về dược, thiết bị y tế, hộ lý và điện nước. Hơn nữa, phụ cấp độc hại tại đơn vị lên đến 100% nên tự chủ tiền lương chưa thể thực hiện được”.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vũ Quang Nguyễn Văn Toại chia sẻ: “Vị trí của bệnh viện không thuận lợi nên 6 xã thuộc vùng hạ (chiếm 2/3 dân số) chủ yếu đến KCB tại Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, còn lại 6 xã vùng thượng dân cư thưa thớt. Hơn nữa, nhiều xã trên địa bàn về đích NTM nên tỷ lệ BHYT giảm rất lớn (trước đây, các xã ở Vũ Quang đều thuộc diện 135 nên người dân được hỗ trợ BHYT 100%). Số thẻ BHYT ít, bệnh viện thiếu nhân lực, trang thiết bị để phát triển kỹ thuật nên mặc dù thời gian qua đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thể đảm đương được tự chủ về tiền lương”.

Ngay cả những đơn vị được xem là top đầu, việc thực hiện tự chủ tiền lương vẫn còn những vướng mắc. Chẳng hạn như ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện có đến 3 nhóm bệnh nhân, gồm: bệnh nhân thanh toán viện phí, bệnh nhân BHYT và bệnh nhân theo yêu cầu. Tuy nhiên, cơ cấu tiền lương cho cán bộ y tế mới chỉ tính vào nhóm BHYT. Hơn nữa, vượt trần quỹ BHYT hàng năm của bệnh viện khá cao (năm 2016, vượt đến 60 tỷ đồng). Nếu tính mức thu, tự chủ tiền lương sẽ đảm bảo được 50%. Tuy nhiên, tiền lương của cán bộ chủ yếu nằm trong nguồn này trong khi BHXH thanh toán rất chậm. Đầu năm 2017 mới chi trả được 30 tỷ đồng của năm 2016. Vì vậy, nếu không thay đổi cơ chế thì chưa thể thực hiện tự chủ được.

tu chu tien luong nhieu vuong mac benh vien gap kho

Tiền lương của cán bộ, viên chức y tế mới chỉ được cơ cấu vào giá dịch vụ của bệnh nhân BHYT.

Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Nguyễn Thị Diện cho biết: “Nếu tính mức thu của năm 2016 thì bệnh viện đã có thể tự chủ 100% tiền lương. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo lắng là liệu có duy trì được bệnh nhân ở mức độ ổn định như thế không vì bệnh nhân của bệnh viện phụ thuộc vào chuyển tuyến. Hơn nữa, khi bệnh viện đã tiến hành tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên thì nên đồng thời tự chủ về nguồn nhân lực. Tự chủ về nhân lực là yếu tố quan trọng giúp bệnh viện có thể tự chủ tài chính”.

Tự chủ tài chính là một chủ trương đúng đắn và thực sự là một cuộc cách mạng trong nỗ lực giảm biên chế, nâng cao chất lượng dịch vụ công để người dân được hưởng lợi cao nhất. Mặt khác, là cơ hội lớn cho các bệnh viện được “cởi trói” những rào cản lâu nay đang vướng mắc như tổ chức, tài chính, định hướng chiến lược phát triển. Tuy nhiên, với thực tiễn tại Hà Tĩnh hiện nay, triển khai tự chủ tài chính còn nhiều thách thức. Các bệnh viện chưa sẵn sàng cho việc này, kể cả nguồn nhân lực. Bên cạnh việc thiếu bác sỹ, cơ sở vật chất và trang thiết bị của các bệnh viện chưa được đầu tư thích đáng. Đặc biệt là tư duy của cán bộ, viên chức y tế tại cơ sở KCB vẫn còn nặng về cơ chế bao cấp.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết: Ngành y tế đã và đang tiến hành rà soát lại năng lực của các bệnh viện, mức thu năm 2016 và trên cơ sở đó, xác định lộ trình tự chủ một cách phù hợp, gắn tự chủ với thực hiện nhiệm vụ chính trị mà các đơn vị phải đảm nhận. Đồng thời, ngành sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ quản trị bệnh viện; rà soát lại những bất cập về mặt chính sách trong cơ chế thông tuyến, nâng giá dịch vụ, đề xuất với Bộ Y tế bổ sung, chỉnh sửa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; khuyến khích các bệnh viện phải mạnh dạn đột phá trong phát triển kỹ thuật, sắp xếp lại đội ngũ, mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kỹ thuật. Mặt khác, sẽ tích cực đẩy nhanh tiến độ BHYT toàn dân.

Đọc thêm

Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Đồ ăn vặt “nội địa Trung” xuất hiện ngày càng phổ biến ở các chợ mạng, quầy tạp hóa tại Hà Tĩnh nhưng phần lớn không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.
Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc với người xung quanh. Vậy đâu là các dấu hiệu nhận biết? Cách khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ra sao? Bác sĩ Bùi Thị Tiến - Phòng khám Âm ngữ trị liệu, Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh) sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.
Người mang ánh sáng trở về

Người mang ánh sáng trở về

Với bác sĩ chuyên khoa II Võ Tá Thiện - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Hà Tĩnh, ca phẫu thuật không chỉ là nhiệm vụ y khoa, mà còn là một hành trình giúp bệnh nhân “nhìn lại cuộc đời” theo đúng nghĩa đen.
Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Trung tâm Xạ trị kỹ thuật cao - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang từng ngày viết nên những câu chuyện hồi sinh từ lòng tin, từ nội lực ngành y tế địa phương và từ sự đồng hành của y học hiện đại.
"Thần y" chữa bách bệnh tại Hà Tĩnh: Vì sao không phép vẫn hoạt động nhiều năm?

"Thần y" chữa bách bệnh tại Hà Tĩnh: Vì sao không phép vẫn hoạt động nhiều năm?

Chữa bệnh không phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người, thế nhưng cơ sở khám, chữa bệnh của ông Dương Văn Ngọ (ở xã Thạch Trị, TP Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên hoạt động. Câu hỏi đặt ra là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của địa phương, ngành chức năng vì sao chưa phát huy hiệu quả?